Vì sao người dân bắt công an, đốt xe cán bộ xã?

Chủ nhật, ngày 13/04/2014 11:24 AM (GMT+7)
Hiện Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ túc trực đề phòng người dân quá khích tiếp tục gây rối, đập phá nhà cán bộ.
Bình luận 0
Sự việc hàng trăm người dân bắt giam 4 cán bộ công an khi đang làm nhiệm vụ hay tấn công nhà một số cán bộ xã trong đêm đang gây xôn xao dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới những hành động quá khích này?

Như đã đưa tin, sau khi bắt, đánh, ném đá làm tám công an bị thương, tối 10.4 đến khoảng 1 giờ sáng 11.4, hàng trăm người dân kéo đến trụ sở UBND xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đốt cháy 11 xe máy của cán bộ xã đang để tại sân trụ sở.

Sau đó, nhiều người còn tới nhà của cán bộ xã: Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, trưởng công an, cán bộ địa chính, cán bộ đoàn. Họ đã dùng gạch đá ném tới tấp vào nhà của những cán bộ này. Trong đó có nhà của ông Nguyễn Khắc Sơn (Trưởng công an xã), sau khi đập phá, nhiều người còn vào nhà lấy chiếc xe máy của ông này mang ra đường đốt cháy rụi.

Sự việc đã làm náo động, mất an ninh trật tự nghiêm trọng tại địa bàn xã.

Người dân tụ tập phản đối công an bắt người.
Người dân tụ tập phản đối công an bắt người.

Ngày 12.4, các ngành chức năng huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã về làm việc tại xã Bắc Sơn (huyện Thạch Hà) để ổn định tình hình an ninh trật tự sau vụ người dân quá khích bắt trói bốn chiến sĩ công an và ném đá vào nhà, đốt xe máy của cán bộ.

Đồng thời, cơ quan Công an huyện Thạch Hà đã khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật và gây rối nơi công cộng xảy ra tại xã Bắc Sơn. Hiện Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an huyện Thạch Hà đã huy động cán bộ, chiến sĩ túc trực tại địa bàn xã Bắc Sơn để đề phòng người dân quá khích tiếp tục gây rối, đập phá nhà cán bộ.

Đâu là nguyên nhân của vụ gây rối này?

Theo tìm hiểu, nguyên nhân của sự việc xuất phát từ việc người dân thôn Trung Sơn (xã Bắc Sơn - Thạch Hà) phản đối dự án xây dựng Công viên Vĩnh Hằng - Bắc Sơn (hay còn gọi là nghĩa trang sinh thái) của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều người dân Bắc Sơn cho biết, trước đây vùng đất này là đồi núi hoang vắng, đến năm 1965 người dân chủ yếu quê xã Thạch Đồng, TP. Hà Tĩnh mới lên đây khai hoang và định cư ở đây.

Sơ đồ dự án xây dựng khu nghĩa trang sinh thái và đây là cội nguồn của mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền.
Sơ đồ dự án xây dựng khu nghĩa trang sinh thái và đây là cội nguồn của mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền.

Cuộc sống của những người dân tại xóm Trung Sơn phụ thuộc vào diện tích đất này nên họ sợ dự án quy hoạch lấy hết diện tích đất trên thì họ sẽ trắng tay, không biết lấy gì để kiếm kế sinh nhai và họ phản đối.

Về việc này, sáng 4.1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ đã đến dự hội nghị cán bộ cốt cán toàn xã Bắc Sơn về định hướng triển khai dự án Công viên Vĩnh Hằng.

Tại hội nghị này, ông Kỳ đã giải thích: “Về diện tích canh tác bị thu hồi, tổng diện tích dự án là 38,68 ha nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 12 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 8,76 ha. Ngoài ra, trong đó một phần đất nông nghiệp có sản lượng thấp do đất chua, thiếu nước sản xuất.

Về yếu tố môi trường, Công viên Vĩnh Hằng có khoảng cách an toàn về: Khu dân cư, công trình khai thác nước tập trung, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ..., đạt tiêu chuẩn thiết kế nghĩa trang áp dụng cho khu vực đô thị. Nếu 3 nghĩa trang cũ của xã Bắc Sơn đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ giữ nguyên hiện trạng và trồng cây xanh bảo vệ xung quanh. Hoặc sẽ được ưu tiên bố trí phân khu dành riêng cho nhân dân xã Bắc Sơn đảm bảo quy mô, diện tích… trong dự án. Người dân xã Bắc Sơn khi qua đời không phải mua đất mà chính quyền xã thực hiện cấp đất an táng theo quy định hiện hành…”.

Trao đổi báo chí, ông Hồ Duy Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Tĩnh, cho biết vị trí tại xã Bắc Sơn là phù hợp để xây dựng Khu nghĩa trang Vĩnh Hằng – Bắc Sơn. Bởi khu vực đó xa nguồn nước và xa khu dân cư … Nhưng việc xây dựng nghĩa trang bị người dân phản đối vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Còn ông Đoàn Tiến Đạt, Chánh văn phòng UBND H.Thạch Hà, cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc người dân ra sức chống đối dự án là do có nhiều người ngộ nhận, không hiểu được tính chất của dự án và người dân sợ dự án này sẽ chắn mất con đường chính ra vào xã.

Cũng theo ông Đạt, việc xây dựng công viên nghĩa trang là việc cấp thiết, đáp ứng như cầu phát triển của xã hội, tạo điều kiện cho việc chôn cất những người quá cố mà vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. Và tỉnh cũng đã có kế hoạch để mở một con đường mới, rộng rãi hơn nối từ Trung tâm xã Bắc Sơn ra QL 15A, việc đi lại sẽ thuận lợi với người dân hơn hơn.

Việc người dân lo ngại sẽ không có đất sản xuất thì ông Nguyễn Anh Tùng - phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thạch Hà cho hay, sẽ có đủ đất để cho người dân canh tác nếu không muốn nhận tiền đền bù.

Tuy nhiên, những diễn biến thực tế những ngày qua cho thấy những chủ trương này chưa được người dân thông hiểu nên họ chọn cách phản đối tiêu cực và có nguy cơ đối mặt với tù tội.
Pháp luật TPHCM (Theo Pháp luật TPHCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem