Trong văn hóa thờ cúng của người Việt Nam, ta thường thấy khi thắp hương, mọi người thắp theo số lẻ 1, 3, 5, 7, 9, thậm chí là thắp cả bó mà không thắp hương theo số chẵn.
Nguyên do có việc này là bởi người ta quan niệm việc thắp hương là việc người dương tưởng nhớ người âm, cúng dâng lễ vật với một lòng mong mỏi người âm phù hộ độ trì cho gia đình sức khỏe, may mắn, mọi sự hanh thông. Số lẻ lại biểu tượng cho tính dương, nên việc thắp hương theo số lẻ là đại diện cho người dương.
Có nhiều quan niệm khác nhau về con số các nén hương:
- 1 nén hương: Thể hiện lòng thành kính.
- 2 nén hương: Khi viếng linh cữu người chết và trong thời gian để tang, hoặc đốt cho người cõi âm (như các vong hồn), người ta thường thắp 2 nén hương.
- 3 nén hương: Con số 3 có nhiều quan niệm khác nhau hơn.
Đó có thể là: Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng); Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới); Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai); Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ) của nhà Phật. Điều này lý giải vì sao ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương to.
Ngoài ra, việc thắp ba nén hương mà người Việt hay làm còn thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
- 5 nén hương: Con số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh. Theo phong thủy là Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
- 7 và 9 nén hương: Số 7 và số 9 tượng trưng cho “vía” của con người, khi người ta muốn xin ơn cho cá nhân (nam thất nữ cửu).
Việc thắp một nén hương và 3 nén hương là cách làm phổ biến ở các gia đình Việt Nam hiện nay. Buổi sáng người ta thường thắp một nén hương lên ông Thần Tài, ông Địa. Số 1 là số dương – ý chỉ là người sống thành tâm cầu thần linh, cầu mong thần linh phù hộ cho người mua may bán đắt hay được an lành, may mắn.
Ba nén hương là số hương phổ biến nhất, có thể áp dụng cho bất cứ dịp nào và ở bất cứ đâu. Trong tâm linh, số 3 là sự tượng trưng cho 3 giới Thiên (trời) – Địa (đất) – Nhân (người). Người dân Việt Nam hay chọn 3 nén để thắp hương vào ngày Tết, những dịp cúng giỗ, động thổ, cưới xin hay những khi tiến hành các việc quan trọng trong đời.
Trên thực tế, khi đi chùa, đền, các chùa hiện nay khuyến khích Phật tử chỉ nên thắp một nén hương (tâm hương), bởi việc thắp 3,5,7,9 nén hương đều giống nhau, không khác nhau về ý nghĩa. Thắp hương nhiều hay ít không quan trọng mà chủ yếu là ở tấm lòng của người hướng đến chư Phật. Hơn thế nữa, việc thắp một nén duy nhất sẽ tránh gây hỏa hoạn (hương đang cháy nếu cắm quá dày có thể bùng lửa) và ô nhiễm môi trường.
Lưu ý gì khi thắp hương?
Thắp hương cũng như các nghi lễ khác, người thắp hương cần lưu ý những điều sau:
Phải có lời cầu khấn
Như đã đề cập ở trên, khói hương chính là sợi dây kết nối giữa người với cõi âm, cõi dương, với thần tiên trên cao, giúp chúng ta chuyển những lời cầu nguyện đến thần linh. Vì vậy, khi thắp hương ở bất cứ đâu cần khấn vái để thần linh chứng giám và phù hộ.
Cần có chánh niệm, thành ý
Mỗi khi dâng hương trước bàn thờ cần lưu ý ngoài việc dâng hương bằng cả tấm lòng thành còn cần phải có chánh niệm, tức tập trung vào việc đốt hương và cầu khấn. Chuyện trò đùa giỡn khi dâng hương là điều không nên.
Cắm hương vào bát hương
Một điều nữa cần ghi nhớ khi dâng hương chính là việc cắm hương vào bát hương (lư hương). Phải cắm từng nén hương với hai tay, cắm ngay thẳng để thể hiện tấm lòng ngay thẳng. Đặc biệt khi mới lập bát hương nên cắm chính giữa 3 nén, sau đó mỗi khi thắp hương sẽ cắm vòng tròn sát cạnh bát hương, cắm đủ vòng ngoài rồi đến vòng kế tiếp cho đến khi vào tâm của bát.
Nhiều người thường không lưu ý vấn đề này, cắm chen chúc nhau, cắm nghiêng ngả. Điều này hoàn toàn không tốt bởi bát hương sum suê đầy đủ cũng thể hiện gia đình đầm ấm, quây quần bên nhau.
Kiêng kỵ gì khi thắp hương?
Dâng hương là nghi thức tâm linh thiêng liêng, là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn, người dâng hương cần kiêng kỵ vài điều sau:
Không dâng hương với số nén hương là số chẵn, vì số chẵn đại diện cho cõi âm. Trang phục khi dâng hương không được hở hang, người dâng hương cần ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc. Nếu có thể hãy vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi thực hiện nghi thức dâng hương.
Không sử dụng hoa quả nhựa, hoa quả có gai, hóa chất để dâng hương cúng Phật.
Hạn chế việc dùng lại lễ vật cũ để dâng hương, vì việc này sẽ thể hiện sự không thành tâm, coi thường của gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.