Những bà vợ luôn bịt mắt mình
Tổng thống Hoa Kỳ đã rời Việt Nam, nhưng xem chừng dư vị ông để lại vẫn còn nóng hổi trên các trang cá nhân của biết bao bà vợ. Họ âm thầm chia sẻ những khoảnh khắc yêu thương mà người đàn ông nổi tiếng ấy dành cho vợ mình. Kèm theo là bao nhiêu lời cảm thán, như những mơ ước rất thật “ôi, soái ca”, “chỉ có thể là yêu”, “nếu yêu thì không bao giờ nói bận”… Những dòng chữ ấy, cứ như phơi bày rằng, chúng ta, những bà vợ, đã dần bị lãng quên trong chính cuộc hôn nhân của mình. Và những dòng chữ ấy, cứ như một sự tố cáo, chồng mình từ lâu đã thôi-yêu-mình.
Cảm xúc cá nhân, đặc biệt là cảm xúc hôn nhân thường trở thành thói quen. Bộ lọc tự nhiên của cảm xúc dần dà bắt đầu vô cảm với những gì đã trở nên quen thuộc. Với hôn nhân, bộ lọc này càng có sức giết chết mọi cảm xúc một cách đớn đau hơn. Chúng ta, những bà vợ, tự nhiên theo thời gian, không còn sức để cảm thấy rung động với những điều chồng mang đến cho mình. Mà thật lạ, lại nhớ như in những thói nhỏ nhặt của người chung nhà, hay những thương tổn mà người ấy gây ra cho mình.
Hằng, chủ một quán cà phê trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TP.HCM) từng dành cả buổi chiều để ngồi kể tội chồng mình. Mà câu chuyện tội lỗi bắt đầu chỉ từ việc Huy, chồng Hằng quên về dự sinh nhật vợ. Hằng cứ liên tục, liên tục nói không ngừng nghỉ: “Anh ấy xem thường vợ và gia đình vợ, chỉ biết việc cơ quan, cả năm chẳng biết mua tặng vợ một món quà”, “nhà cửa mua chưa góp xong, mà thỉnh thoảng ảnh lại kéo bạn bè về nhà chơi, hành hạ vợ mà không biết lấy một lần đưa vợ đi ra ngoài ăn vào cuối tuần”, “từ ngày cưới nhau đến giờ, chưa bao giờ ảnh đón đưa vợ, mang vợ đến một cuộc vui của bạn bè, hình như em làm ảnh xấu hổ”.
Thực ra cuộc sống quá nhiều nhiễu sự để người đàn bà dễ dàng tìm ra lỗi của đàn ông trong muôn trùng những va chạm hàng ngày. Những giấc mơ màu hồng thời son rỗi hay những câu chuyện đầy chất ngôn tình ngày càng nhiều, đôi khi là cơn cớ biến đàn bà thành những con người ưa tự dằn vặt mình nhất thế gian này.
Trong một cuộc hàn huyên của đám bạn gái từ thời trung học với nhau nhân dịp sinh nhật một cô bạn, tôi đã ồ lên kinh ngạc khi hầu như tất cả các bạn đều có chung một suy nghĩ “chồng mình hầu như chẳng bao giờ chăm sóc cho mình, tình yêu đó đã tử thương từ đời kiếp nào rồi…”. Có hàng tỷ lý do để những bà vợ quanh đây nhìn thấy cuộc hôn nhân của mình ngày càng nhạt nhẽo. Như bạn tôi nói: “Thấy ổng ôm về bó hoa hôm kỷ niệm ngày cưới, tao cười muốn té xuống ghế, vì hình ảnh ấy hài hước và ngộ quá…”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2016/images/2016-06-05/1465129661-phu-nu.jpg)
Ảnh mang tính minh họa
Thực ra, với tất cả các bà vợ như thế này, mọi hành động của chồng đều trở thành “hài” và “ngộ”. Mà không ngộ và hài sao được, khi lòng đã khép lại không còn chỗ để đón nhận những cảm xúc tươi mới của người bạn đời mang lại. Hầu như, mỗi một hành động khác lạ nào, lãng mạn nào, thành tâm nào đều được các bà quy thành chuyện mắc cười, tệ hơn nữa là quy chụp đó là việc “hối lộ” cho những bí mật tội lỗi nào đó.
Tú, cậu bạn của tôi, đang đêm bỗng gọi điện than vãn, giọng đầy bực dọc. Lúc tối cả nhà cùng đi ăn nhà hàng Pháp, vì bạn vừa được thăng chức và tăng lương. Thấy vợ loay hoay không biết sử dụng dao nĩa sao cho đúng, bạn giành lấy và xử lý phần thức ăn ấy giúp vợ. Đang vui vẻ thế thì không khí bỗng nặng chịch, vợ bạn hét lên cho rằng bạn cố ý làm xấu vợ mình, đã biết vợ không rành ăn món Tây mà còn đến nơi này...
Tú hoàn toàn thành tâm trong việc này, bạn chỉ muốn vợ con mình có một bữa tối trong khung cảnh lãng mạn, vui vẻ hơn ngày thường. Và Tú cũng hoàn toàn tự nhiên khi giúp vợ, cũng như khi ông Obama cầm ly cho vợ mình uống một ngụm cà phê thôi. Không biết từ khi nào, các bà vợ tự tập cho chính mình khước từ những điều đẹp đẽ do chồng mang lại, như một phản xạ tất yếu.
Nếu ta không bịt-mắt
Ai kết hôn rồi cũng đều biết hôn nhân là cả một quá trình tự điều chỉnh nhau và duy trì bởi những đồng điệu nào đó giữa hai con người. Nhưng rồi những đồng điệu ấy trở nên xưa cũ nếu cứ mãi mãi như ngày mới yêu. Bản tính của con người là đi tìm chút gì đó, mới hơn cái đã có. Vì thế, những gì đã quá quen thuộc như hơi thở là điều mà ta không thể nhân danh một cái tình nào để ngụy biện bao che. Chỉ có những bà vợ, ông chồng, những người cùng hít thở chung hơi thở hôn nhân ấy biết tự mình sàng lọc và cảm được sự yêu thương của người kia dành cho mình.
Mẹ tôi, một người đàn bà nhà quê rặt, ít học đã luôn nói về ba tôi bằng những câu chuyện đầy yêu quý, nâng niu “hồi ấy khổ, sáng nào ba cũng dậy sớm nấu cơm cho cả nhà, rang đậu phụng rồi cùng ăn”, “hồi đó sinh đứa nào ra, khi nhìn thấy tụi con đầu tiên, ba bây đều khóc”, “hồi đó đi làm về tối thui, tối nào ba cũng đi đón, nhiều hôm hai vợ chồng té lăn xuống ruộng…”.
Thế đó, những câu chuyện bắt đầu bằng hai chữ “hồi đó” của mẹ luôn lấp lánh hình ảnh một ông chồng vĩ đại, thương vợ và cũng rất lãng mạn. Thực ra tôi biết ba mình, cũng ham chơi, cũng đào hoa và cũng không ít lần làm mẹ tôi khóc. Nhưng, điều đọng lại trong mắt mẹ tôi về ba, không phải là những lần vợ chồng cãi nhau, không phải là những cơn ghen mỏi mệt, mà là những điều đẹp đẽ, những hành động đầy tình thương neo lại trong tim mẹ. Để những khi cả nhà đông đủ, mẹ lại bắt đầu câu chuyện của mình bằng hai chữ “hồi đó”.
Tự bao giờ, các bà vợ đã không còn mở to hai mắt để đón nhận tình cảm từ chồng mình, họ luôn luôn có những lý lẽ rất hợp logic để can thiệp một cách thô lỗ vào chính nhu cầu cảm xúc của mình. Thực ra, không hiếm các đấng ông chồng ân cần chu đáo với vợ, đi xa luôn nhớ mua quà, lãnh hết phần nặng nhọc trong nhà. Nhưng các bà vợ, đã quen nhân danh “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu” để khiến chính mình kiệt quệ cảm xúc, nhìn đâu cũng thấy sự đáng ghét, sự xấu xa và không còn đủ tình cảm để lòng rung động bởi một hành động nho nhỏ nào đó, từ chồng.
Đôi khi các bà vợ cứ nhắm tịt mắt, để không bao giờ chịu nhìn thấy chồng mình cũng lãng mạn và biết yêu thương nào kém ngài Obama. Trí (Hà Nội) có lần chia sẻ trên facebook của anh về việc vợ đi sinh con trai đầu lòng, nhìn thấy cơn chuyển dạ đau đớn quằn quại của vợ, gã đàn ông bặm trợn ham chơi ấy đã thực sự bấn loạn vì lo lắng, luôn chắp tay cầu nguyện, thề bất cứ điều gì trên đời, để đổi lại bình an cho vợ con.
Hôn nhân chưa bao giờ là nơi chôn cất tình yêu. Mà chính những cặp mắt luôn luôn nhắm chặt mới là sự tù túng giam hãm một cuộc tình. Tổng thống Hoa Kỳ hay nhiều nam chính khách lịch lãm bặt thiệp cũng chỉ là một ông chồng như hàng vạn ông chồng khác trên đời này. Nhưng, các bà vợ chúng ta, chỉ nhìn thấy ông ấy cầm dù che cho vợ trong mưa, mà quên đi rằng, trong cơn mưa, ngay lúc này, mình không ướt, vì có một người cầm dù đi bên cạnh.
Lan Khôi (Phunuonline)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.