Thấy gì từ việc môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT 2022 có tới 1.779 điểm 10, cao gấp 7 lần so với 2021?

Tào Nga Thứ hai, ngày 25/07/2022 13:28 PM (GMT+7)
Có tới 1.779 điểm 10, Lịch sử là môn có điểm tuyệt đối gần nhiều nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2002, xếp sau Giáo dục công dân.
Bình luận 0

"Mưa" điểm 10 môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Ngày 24/7, Bộ GDĐT đã chính thức công bố điểm thi, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của cả nước năm 2022 cho thấy: Có 659,667 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6.34 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 83 (chiếm tỷ lệ 0.01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127,557 (chiếm tỷ lệ 19.34%). Đặc biệt, có tới 1.779 bài thi đạt điểm 10 môn Lịch sử, cũng là môn có điểm tuyệt đối gần nhiều nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2002, chỉ sau môn Giáo dục công dân với 2.836 bài thi điểm 10 và cao hơn gấp nhiều lần so với môn Toán có 35 bài thi, môn Văn có 5 bài thi...

Thời gian vừa qua, dư luận tranh cãi về việc học và thi môn Lịch sử trong các trường phổ thông. Môn Lịch sử bị đánh giá là học sinh học thờ ơ, không quan tâm, không biết và nhầm lẫn các sự kiện. Tuy nhiên, năm nay số lượng điểm 10 Lịch sử lại rất cao, cao gấp gần 7 lần năm ngoái.

Vì sao nói học sinh thờ ơ với môn Lịch sử nhưng thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có đến 1.779 điểm 10? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Đặng Thuỳ Linh, lớp 12A, Trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp 2022 em đạt 9,25 điểm môn Lịch sử và dự định xét tuyển khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Linh nhận xét: "Đề thi Lịch sử năm nay đối với em tương đối dễ và em làm vừa đủ thời gian. Em hơi tiếc vì đã không được điểm 10".

Trước thông tin có tới gần 2.000 điểm 10 môn Lịch sử, Linh cho rằng đây là điều rất bình thường vì chỉ cần nắm vững kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa là thí sinh đã có thể được 9 điểm. Theo Linh, cách học sử hiện tại khá dễ học, đi thi học sinh không bị động. Tuy nhiên, Linh cũng đề xuất nếu để lịch sử là môn thi bắt buộc thì nên đưa nhiều câu hỏi về lịch sử Việt Nam vào đề hơn.

Liên quan đến điểm thi môn Lịch sử với nhiều điểm 10, cô Phan Hà, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa lý giải: "Có thể nói năm nay có "mưa" điểm 10 môn Lịch sử. Theo tôi, thời gian qua thầy cô và học trò đều nỗ lực dạy và học. Các thầy cô đảm nhận ôn thi cho học sinh lớp 12 đều cố gắng để dạy. Các em học sinh thì chăm chỉ, nghiêm túc học bởi vì đạt được điểm 10 thì không thể gọi là "ăn may" được. 

Một lý do khác là đề thi năm nay dễ hơn một số năm. Ngoài những câu hỏi kiến thức cơ bản có thêm câu hỏi liên môn. Ví dụ như vị trí địa lý, thành tựu về kinh tế, văn hóa... học sinh dễ dàng phân loại để đánh dấu. Các em chỉ cần học khá có thể đạt được điểm này. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là dạng đề. Việc ôn thi năm nay rút kinh nghiệm từ "form" đề năm 2021. Giáo viên và học sinh ôn tập kỹ, không bị lạ lẫm, sốc khi làm bài".

Theo Th.s Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên - tổ phó chuyên môn tổ Văn-Sử, Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, điểm thi môn Lịch sử năm nay có khả quan hơn do đề thi đã có sự thay đổi. Nhiều câu hỏi nhận biết, thông hiểu ở mức sàn, câu hỏi không lắt léo, tạo điều kiện cho đại đa số học sinh có thể đạt điểm trung bình trở lên. Những câu hỏi vận dụng, vận dụng cao phân hoá học sinh giỏi nhưng vẫn bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Học sinh tư duy tốt và sử dụng tốt từ khoá là có thể chinh phục được những điểm số cao".

Th.s Lịch sử Hồ Như Hiển cũng đưa ra ý kiến: "Điểm môn Lịch sử có sự bứt phá như vậy có thể do một số lý do. Trước hết phải ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của cả thầy và trò trong bối cảnh dịch bệnh, việc học online không khiến cho kết quả giảm đi mà lại có phần khởi sắc.

Quan trọng nhất là ở khâu ra đề, đề thi đảm bảo tiếp cận đại trà học sinh, kiến thức hết sức cơ bản, không vụn vặt, không đánh đố, đúng trọng tâm. Tuy nhiên, đề thi khá dễ khiến cho độ phân hóa không cao, điểm thi do vậy tăng vọt. Tuy nhiên, khách quan mà nói, môn Lịch sử có phổ điểm như vậy là hợp lý, chỉ cần đảm bảo phân hóa tốt hơn nữa đối với học sinh giỏi. Trong việc ra đề nên có sự phân hóa mạnh từ câu 30 trở đi".

Cần đổi mới cách dạy, ra đề và tuyển sinh đại học với môn Lịch sử

Chia sẻ về phổ điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay, TS Lịch sử Lê Thị Thu Hương, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói với Dân Việt: "Có thể thấy học sinh và giáo viên đã thay đổi nhiều trong phương pháp dạy và học môn Lịch sử. Vì vậy, học sinh thấy yêu thích và đạt điểm cao thi tốt nghiệp môn Lịch sử là điều dễ hiểu. 

Vì sao nói học sinh thờ ơ với môn Lịch sử nhưng thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có đến 1.779 điểm 10? - Ảnh 2.

Đề thi môn Lịch sử năm nay được đánh giá dễ nên nhận cơn mưa điểm 10. Ảnh thí sinh dự thi tốt nghiệp THTP năm 2022: Phạm Hưng

Tuy nhiên, lý do chính phải là cách ra đề năm nay bám sát với đề minh họa, tạo sự yên tâm cho thí sinh làm bài. Câu hỏi cũng không hóc búa, các em dễ dàng đạt 6-7 điểm. Mặc dù đề thi năm nay không hoàn hảo nhưng phù hợp trong điều kiện các em có 3 năm học trong dịch bệnh. Ngoài ra, đề thi cũng có những câu hỏi không cần học mà bằng kiến thức hiểu biết các em cũng có thể đạt được".

Nói thêm về vấn đề môn Lịch sử đang bị dư luận cho rằng khô khan, học sinh thờ ơ, cô Hương khẳng định thực tế các em rất quan tâm đến Lịch sử: "Học sinh không phải thờ ơ mà ngược lại thế hệ trẻ rất hay mày mò, tìm hiểu. Các em có hình thức yêu nước khác nhau, hình thức học môn Lịch sử khác nhau nên tìm hiểu về lịch sử theo các kênh thông tin khác nhau. Nhiệm vụ của giáo viên không phải dạy lịch sử mà giúp học sinh biết cách khai thác lịch sử để học và lựa chọn khối thi".

Nhận xét về các tổ hợp xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT có môn Lịch sử, TS Hương nói thêm: "Hiện nay, môn Lịch sử cũng đã được các trường đại học nhóm vào các tổ hợp thi các nhau. Đây là cơ hội để học sinh lựa chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp. Tuy nhiên các ngành học vẫn đang có sự phân hóa. Ví dụ các ngành Khoa học Tự nhiên vẫn thuần túy là những môn Khoa học Tự nhiên. Các trường có thể cho thêm môn Lịch sử vào các tổ hợp của mình để xét tuyển thì đảm bảo các em học sinh sẽ càng yêu môn Lịch sử hơn".

Liên quan đến việc học và điểm thi môn Lịch sử, chia sẻ với PV báo Dân Việt, GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho hay: "Nếu dạy nội dung cơ bản để học sinh nắm được và thi những nội dung cơ bản đã học thì môn Lịch sử không phải là khó với học sinh, điểm cao là dễ hiểu. Chỉ sợ học lịch sử với nội dung cao siêu, thi thì đánh đố chỉ khiến các em không làm được bài và thậm chí còn sợ môn Lịch sử". 

GS Dong lý giải: "Dân ta phải biết sử ta", có nghĩa là với các em học sinh chỉ cần được biết về văn hóa truyền thống của dân tộc, cha ông đã xây dựng đất nước thế nào và bây giờ chúng ta phải tiếp nối điều gì để sau này thể hiện trách nhiệm với lịch sử. 

"Thi có thể ra đề theo dạng tự luận hoặc trắc nghiệm nhưng kiến thức cần trọng tâm và nằm trong phần nội dung giảng dạy. Các em còn học nhiều môn khác chứ không phải chỉ học một môn. Nếu thi mở rộng thì Bộ GDĐT cần nói rõ trọng tâm ở đâu cho các em nắm được chứ không phải lan man, đánh đố. Đặc biệt là không được dạy học thuộc lòng mà học để hiểu, để vận dụng. Môn nào cũng bắt các em học thuộc thì làm sao các em nhớ hết được các môn.

Lịch sử là môn không nên quan trọng quá nhưng cũng không được coi thường. Đừng để trẻ con trở thành nơi chịu đựng mọi sức ép của người lớn. Thi cử chỉ là đánh giá tình hình, kiểm tra kiến thức phổ thông nhất. Điểm thi không phải là điều quyết định vì cầm tấm bằng tốt nghiệp phổ thông chỉ là tờ giấy vào đời", GS Dong nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem