Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị tập huấn về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và xây dựng cơ quan không khói thuốc trong cơ quan, vừa được Ban chỉ đạo PCTHTL thuộc Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức.
Hút thuốc là do thói quen
Luật PCTHTL đã được Quốc hội thông qua ngày 18.6.2012, và có hiệu lực từ ngày 1.5.2013, với những quy định nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong cộng đồng, giảm những tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, tính mạng con người. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ kỹ thuật Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam ghi nhận, Luật PCTHTL đã mang đến những hiệu ứng tích cực trong đời sống cộng đồng nói chung.
“Trước đây, thuốc là món quà biếu cho bạn bè, những người thân trong cộng đồng, dành cho đối tượng có nhu cầu. Hiện tại, nhiều người đã nói không với khói thuốc, hoặc còn sử dụng cũng đã có ý thức hạn chế gấp nhiều lần. Làm được điều đó là do công tác tuyên truyền rất tích cực của đài, báo, tivi, các trang mạng và do hình thức quảng bá hình ảnh mang tính “khiếp đản” của những nạn nhân do thuốc lá gây ra” – ông Lâm cho biết.
Truyền thông về tác hại thuốc lá đã góp phần làm giảm tỷ lệ hút thuốc trong dân. Ảnh: Dương Ngọc
Theo ông Bùi Văn Thạch – Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng: “Hút thuốc lá trước hết là do thói quen. Tôi thấy rất nhiều đồng chí đã từng hút thuốc và bỏ thuốc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người đang hút thuốc mà chưa bỏ được hoàn toàn. Chúng ta phải thừa nhận chưa thực hiện nghiêm được Luật PCTHTL. Tại cơ quan vẫn còn tồn tại nhiều người hút thuốc lá”.
Người nghèo hút nhiều hơn người giàu
Bác sĩ Nguyễn Văn Chất (Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế) chỉ ra tỷ lệ người hút thuốc ở khu vực nông thôn cao hơn so với thành thị, người nghèo cao hơn người giàu.
Để nâng cao nhận thức của người dân và thực hiện Luật PCTHTL sâu rộng trong cộng đồng, nhiều “kế sách” đã được đại biểu dự hội nghị đưa ra. Ông Trương Đức Tiến – Trưởng phòng Hành chính tổ chức, Cục Quản trị A, Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng: “Cần tăng cường truyền thông đến từng khu xóm bằng nhiều các biện pháp như phát tờ rơi, tổ chức những cuộc giao lưu tuyên truyền vận động đến mọi người tham gia, đặc biệt là thế hệ thanh niên, trung niên cần được hiểu hơn về Luật PCTHTL”.
Còn ông Lê Văn Điệu – Phó Vụ trưởng Vụ 1 Văn phòng Trung ương Đảng nhìn nhận, do công việc, thời gian của người nông dân chủ yếu ngoài đồng ruộng, trên nương rẫy, dễ hút thuốc, khó tiếp cận với kiến thức về PCTHTL. Vì vậy, cần có cách làm hợp lý để tạo ra hiệu ứng tích cực khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng Luật PCTHTL.
“Các bản tin phát thanh cần lồng ghép cho người dân hiểu Luật PCTHTL, đồng thời thấy được những hệ lụy mà khói thuốc gây ra như ung thư phổi, tai biến mạch máu não... Bên cạnh đó, cần có sự liên kết với Hội Phụ nữ địa phương cũng là một cách tuyên truyền thiết thực đến từng gia đình” – ông Điệu cho hay.
Thời gian qua, Bộ Y tế thanh-kiểm tra 100 khách sạn, nhà hàng tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa (Hà Nội). Mỗi quận kiểm tra 20 đơn vị. Kết quả bước đầu lập biên bản vi phạm đối với 6 đơn vị.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.