Vì sao nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 13 năm qua?

Đình Thắng (thực hiện) Thứ năm, ngày 05/04/2018 06:33 AM (GMT+7)
“Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm nay cũng như duy trì được đà tăng trưởng quý I của ngành nông nghiệp, giải pháp ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu là quan trọng nhất” - Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết.
Bình luận 0

Trồng trọt nhiều “điểm sáng”

Hoạt động quý I.2018 của Bộ NNPTNT đã khép lại với những con số ấn tượng khi giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I ước tính đạt khoảng 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,18% so với quý I.2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 21,4% mục tiêu năm 2018.

img

Hết quý I, sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 11,2 triệu tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Thu hoạch lúa đông xuân sớm ở vùng Tứ giác Long Xuyên.  Ảnh: T.L

"Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản”.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Trong quý I, trồng trọt là lĩnh vực đóng góp nhiều “điểm sáng”. Riêng mặt hàng lúa gạo, hết quý I, sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 11,2 triệu tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo tăng.

Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm 2017.

Thủy sản và lâm nghiệp trong 3 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng khá, đạt kế hoạch đề ra khi sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3 đạt 171 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, thủy sản là lĩnh vực được giao chỉ tiêu cao với tổng sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD.

Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm Tổng cục Thủy sản đã tập trung hướng dẫn các địa phương tăng cường sản xuất nuôi tôm nước lợ và cá tra. Bộ đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy suất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU.

Trong quý I, chăn nuôi là lĩnh vực duy nhất có mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch được giao. Nguyên nhân là do từ đầu năm 2018, đã xảy ra hai đợt rét đậm, rét hại khiến 7.594 con gia súc, gia cầm bị chết. Thêm vào đó, tình hình chăn nuôi lợn chưa khởi sắc do giá vẫn ở mức thấp nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, quý I.2018, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 13 năm gần đây.

Năm nay nhãn, vải ở miền Bắc ra hoa đạt tỷ lệ 95% hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Bộ NNPTNT giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các địa phương chuẩn bị xúc tiến tiêu thụ vải, nhãn đảm bảo đầu ra ổn định, hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Cục cũng làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại, một số vùng trọng điểm sản xuất vải, nhãn tập trung cùng một số trung tâm phân phối, tiêu thụ sản phẩm để kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Thị trường lớn có nhiều biến động

Tại họp báo chiều 3.4, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành đặt ra trong năm nay cũng như duy trì được đà tăng trưởng của quý I, giải pháp ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu là quan trọng nhất. Bởi hiện nay, thị trường quốc tế có rất nhiều rủi ro. Các thị trường lớn, trọng điểm của nông, lâm, thủy sản Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU… cũng đang có nhiều khó khăn.

Đối với thị trường Mỹ, Thứ trưởng Tuấn cho biết: “Trong tháng 3 vừa qua họ không chỉ áp thuế chống bán phá cá tra mà cả tôm, hai sự việc diễn ra cách nhau có mấy ngày. Đây là các phán quyết đơn phương, phán quyết phi lý, bất công, không phù hợp với WTO. Không loại trừ khả năng chúng ta xem xét nghiêm túc phải sử dụng các phương án khiếu kiện lên toàn án quốc tế để có phán quyết của trọng tài quốc tế” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng cường gặp gỡ song phương, đa phương để trao đổi, đàm pháp về tình hình thương mại hai chiều.

Liên quan đến thị trường EU là vấn đề Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng– Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: “Trong 3 tháng đầu năm 2018, không có tàu cá nào của Việt Nam vi phạm vùng nước quốc đảo; số tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển một số nước trong khu vực ASEAN đã giảm đi nhiều”.

Còn theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: “Trong 5 tháng qua chúng ta đã tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các hành động theo 9 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu; từng bước chủ động trong việc xây dựng nghề cá theo hướng phát triển bền vững, một nghề cá có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế. EC đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, tôi có niềm tin rất lớn rằng cuối tháng 4, đầu tháng 5, EC sẽ gỡ bỏ thẻ vàng cho chúng ta”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem