Vì sao TP.HCM đề xuất cho shipper hoạt động lại và đi chợ hộ qua app?

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 29/08/2021 13:46 PM (GMT+7)
Đi chợ hộ qua app có thể giải quyết được nhu cầu nhanh hơn. Đội ngũ shipper với kinh nghiệm sẵn có và thông thạo đường, được kỳ vọng sẽ giải quyết được đơn hàng đang quá tải hiện nay.
Bình luận 0

Sở Công Thương TP.HCM vừa đề xuất huy động 25.000 shipper của các ứng dụng xe công nghệ được giao hàng liên quận, để hỗ trợ mô hình đi chợ hộ. Nhiều ứng dụng cũng sẵn sàng "cho mượn" nền tảng công nghệ sẵn có để người dân sớm tiếp cận được thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Người dân, siêu thị ủng hộ đi chợ hộ qua app

Chị Giang (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết do quận đang nằm trong "vùng đỏ" nên shipper công nghệ không được phép hoạt động từ ngày 23/8. Ở trọ, đến nay, chị vẫn chưa tiếp cận được kênh đi chợ hộ tại địa phương. Một số cửa hàng có thương hiệu lớn gần nhà vẫn cho phép đặt online, chị Giang rất mừng nhưng để đặt được rất khó khăn, chưa kể phải đến 5 ngày sau mới nhận được hàng.

Vì sao TP.HCM đề xuất cho shipper hoạt động lại và đi chợ hộ qua app? - Ảnh 1.

Nhân viên siêu thị phục vụ không xuể đơn hàng đi chợ hộ của người dân. Ảnh: Hồng Phúc.

"Từ trước đến nay, tôi chủ yếu đặt hàng qua ứng dụng gọi xe công nghệ. 1-2 tháng qua, khi TP.HCM giãn cách, tôi cũng đặt thực phẩm trên app nhiều hơn. Các ứng dụng này đã có sẵn dịch vụ đi chợ hộ, nếu áp dụng cách này, những người ở trọ như tôi dễ tiếp cận được thực phẩm hơn" - chị Giang nói.

Không chỉ chị Giang, nhiều người dân tại TP.HCM cũng cho biết đi chợ hộ thông qua địa phương, thời gian nhận được thực phẩm khá lâu, trung bình mất khoảng 3 ngày. Ngoài ra, đơn hàng khi đặt gồm nhiều món để đáp ứng nhu cầu trong một tuần nhưng khi nhận được chỉ có vài món, do điểm bán "hụt hàng".

Nguyên nhân đơn hàng đi chợ hộ vài ngày qua quá tải do nhu cầu đang tăng vọt, trong khi siêu thị thiếu nhân sự gom đơn, chuẩn bị hàng hóa. Lực lượng đi chợ hộ tại địa phương dù rất cố gắng, huy động các đoàn thể hỗ trợ nhưng cũng không thể đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu.

Trong khi đó, một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cho biết với cách thức đi chợ hộ hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ phải chờ địa phương tổng hợp đơn hàng đến mới có thể đặt nhà cung cấp, tức khó chủ động và thiếu cả nhân sự gom hàng lẫn đi giao.

Số lượng đơn hàng đi chợ hộ chồng chất, nhân viên siêu thị hối hả làm vẫn không kịp. Video: Hồng Phúc.

Từ trước đến nay, nhiều hệ thống siêu thị như Aeon, Co.opmart, Big C… cũng đã kết hợp với các ứng dụng giao nhận hàng để giao nhanh hàng cho người dân thông qua đội ngũ shipper của các ứng dụng.

Trước thông tin một số đơn vị công nghệ đề xuất "cho mượn" hạ tầng công nghệ để hỗ trợ đi chợ hộ người dân, đại diện Aeon Việt Nam nói với PV Dân Việt: "Hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán".

Shipper sẽ giao nhanh hơn, lực lượng địa phương chuyên tâm chống dịch

Mới đây, Grab Việt Nam đã đề xuất sử dụng hạ tầng công nghệ của ứng dụng này để hỗ trợ lực lượng chức năng đi chợ hộ cho người dân tại các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn và TP.Thủ Đức. Người dân đặt hàng qua ứng dụng tại các cửa hàng trên địa bàn. Đơn vị cung ứng sắp cung cấp hàng dạng đơn lẻ hoặc theo combo. Shipper nhận và giao hàng sẽ là lực lượng đi chợ hộ tại địa phương.

TP.Thủ Đức đã đồng thuận phương án đi chợ hộ này và đang triển khai trên địa bàn. Địa phương cũng quyết định sử dụng lực lượng shipper tình nguyện của Grab tham gia giao hàng để hỗ trợ lực lượng đi chợ hộ của địa phương.

Vì sao TP.HCM đề xuất cho shipper hoạt động lại và đi chợ hộ qua app? - Ảnh 3.

Các ứng dụng gọi xe đều muốn sử dụng nền tảng sẵn có để hỗ trợ đi chợ hộ. Ảnh: Hồng Phúc.

"Việc ứng dụng công nghệ thay cho phương án thủ công không chỉ giúp duy trì chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân mà quan trọng hơn hết, sẽ giảm thiểu đến mức tối đa công sức của lực lượng tuyến đầu chống dịch để họ tập trung thực hiện những nhiệm vụ cấp bách khác và hỗ trợ được nhiều người dân hơn nữa" -  bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam - nói.

Cũng đề xuất tận dụng nền tảng của mình để phục vụ đi chợ hộ, bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO Be Group, cho biết việc tận dụng này giúp ghi nhận nhanh chóng yêu cầu của người dân, thanh toán không tiền mặt đảm bảo không tiếp xúc, các rủi ro về vận hành có thể được giải quyết và mọi thắc mắc của người dân cũng được hỗ trợ nhanh chóng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thông tin Sở đã đề xuất cho shipper hoạt động trở lại. Cơ sở của đề xuất này là đội ngũ shipper có lợi thế rất lớn trong ứng dụng công nghệ để vận chuyển, cung ứng hàng hóa, đặc biệt thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn.

Theo tính toán của Sở Công Thương, nếu áp dụng, mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày. Nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình ở TP.HCM, giải tỏa bớt áp lực cho đơn hàng đi chợ đang quá tải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem