Thời loạn thế tạo anh hùng, đó là câu nói minh chứng cho thời Tam Quốc. Đây được coi là thời kỳ lịch sử nhiều hỗn loạn, biến động, song cũng là giai đoạn nở rộ khi có nhiều anh hùng, hào kiệt, mưu sĩ nổi danh.
Trong số các binh hùng tướng mạnh thời Tam Quốc, Lã Bố được coi là mãnh tướng dũng mãnh kiêu hùng nhất, được mệnh danh là "chiến thần". Chỉ bàn về võ nghệ, người đương thời thường nói: "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (có nghĩa là người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố) để ngợi ca về hai tuyệt phẩm hiếm có thời Tam Quốc.
Cùng xem lại hai dẫn chứng dưới đây thì sẽ càng rõ mức độ phi phàm của Lã Bố.
Trương Phi đấu được 100 hiệp đã là kỳ tài
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Lã Bố thường được coi như là "thước đo" để đánh giá một mãnh tướng có đủ sức mạnh hay không. Ngay từ khi mới 11 tuổi, Lã Bố được mô tả là có sức mạnh phi thường khi đánh bại đại lực sĩ giỏi nhất của dòng tộc.
Khi lớn lên, Lã Bố vô cùng dũng mãnh trên chiến trường khi nhiều lần đối đầu với vạn quân địch, hay giữa binh đao loạn lạc mà không hề run sợ. Ông cũng từng một mình giao đấu với ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.
Câu nói nổi tiếng đánh giá về khả năng võ thuật của những võ tướng mạnh nhất Tam Quốc cũng cho thấy điều này: "Nhất Lã, nhì Triệu, tam Điển Vi, tứ Quan, ngũ Mã, lục Trương Phi". Có nghĩa là Lã Bố được xem là vị tướng dũng mãnh bậc nhất trong Tam Quốc, xếp trên cả những mãnh tướng tài giỏi đương thời như Triệu Vân, Quan Vũ, Mã Siêu, Trương Phi…
Trong thời Tam Quốc, có rất ít những trận đấu đơn diễn ra. Vì lẽ đó nên rất khó để so bì cao, thấp đối với các mãnh tướng. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Lã Bố không phải là chưa từng nếm mùi thất bại, nhưng đó là bại khi hai quân giao chiến (xét về mặt chiến thuật).
Còn so về đơn đả độc đấu thì ông chưa từng thất bại. Người có khả năng đấu với Lã Bố đến 100 hiệp được cho là chỉ đếm trên đầu ngón tay; thậm chí, câu chữ ghi chép lại thì chỉ có một người, đó là Trương Phi.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Trương Phi từng giao chiến với Lã Bố. Đánh được hơn 50 hiệp nhưng hai người vẫn không phân thắng bại. Quan Vũ bấy giờ đứng ngoài thấy thế nên cầm Thanh Long Yển Nguyệt đến cùng đánh.
Cũng trong Tam Quốc diễn nghĩa, tại Hồi 16, cũng có mô tả lần giao chiến kéo dài hơn 100 hiệp giữa Trương Phi và Lã Bố. Theo đó, khi Lã Bố mua một đàn ngựa chiến nhưng lại bị Trương Phi cướp mất, dẫn đến xảy ra giao chiến. Lã Bố tức giận giương kích lao đến tấn công Trương Phi. Bấy giờ Trương Phi cũng xuất mâu tiếp chiến. Hai người giao chiến hơn 100 hiệp không phân thắng bại. Bấy giờ, lo sợ có sai sót nên Lưu Bị ra lệnh rút quân vào thành.
Theo các ghi chép trong lịch sử, Trương Phi không chỉ giỏi võ nghệ mà còn có khả năng viết chữ, vẽ tranh rất đẹp. Ông nổi tiếng là người nóng nảy nhưng dũng cảm và coi thường cái chết. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Trương Phi sử dụng vũ khí là bát xà mâu, cưỡi tuấn mã Ô Vân Đạp Tuyết, trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù trên chiến trường.
Mãnh tướng của Tào Tháo đấu được bao nhiêu hiệp với Lã Bố?
Hứa Chử là một mãnh tướng nổi danh của nhà Tào Nguỵ. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, nếu Điển Vi được ví như mãnh tướng Ác Lai thời Trụ Vương, thì Hứa Chử được coi là "Hổ hầu" với sức mạnh như hổ hoang. Cả Điển Vi và Hứa Chử đều là hai tướng hậu vệ thân cận nhất, có nhiệm vụ bảo vệ cho sự an toàn cho Tào Tháo.
Hai mãnh tướng này đều rất trung thành với Tào Tháo và được vị quân chủ của nhà Nguỵ rất tin tưởng, quyết giao trọn tính mạng cho họ bảo vệ.
Hứa Chử từng có nhiều cơ hội đọ sức với các vị tướng nổi tiếng đương thời như Điển Vi, Trương Phi, Mã Siêu, Triệu Vân và đó đều là những cuộc đấu không phân thắng bại.
Nổi tiếng là người có sức khoẻ phi thường, trong cuộc đời chinh chiến lẫy lừng, Hứa Chử từng có dịp giao đấu với vị tướng dũng mãnh nhất thời Tam Quốc, đó là Lã Bố.
Theo đó, trong trận Bộc Dương, Hứa Chữ và Lã Bố đã giao chiến hơn 20 hiệp vẫn không phân thắng bại. Bấy giờ, do sợ Hứa Chử bị thương nên Tào Tháo phái thêm 5 viên tướng khác đến trợ giúp, sau đó Lã Bố mới chịu rút lui. Từ đây có thể thấy được sức mạnh cũng như khả năng chiến đấu tuyệt vời của Hứa Chử, đặc biệt là khi đơn đấu.
Dù còn rất nhiều vị tướng tài giỏi khác, đúng như câu "núi cao còn có núi cao hơn", nhưng xét trên những ghi chép về đơn đấu thì Trương Phi và Hứa Chử là hai trong số ít người có khả năng đơn đấu ngang tài, ngang sức với Lã Bố, "chiến thần" nổi danh khắp Tam Quốc lúc bấy giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.