Vì sao VFF không muốn "chia cỗ" cho sân Mỹ Đình?

Thứ bảy, ngày 15/06/2013 14:19 PM (GMT+7)
Dân Việt - Bỏ 50 tỷ đồng để mời Arsenal sang Việt Nam, nhưng VFF lại "sôi máu" khi ban quản lý sân Mỹ Đình "hét giá" thuê sân. Mua được trâu, chẳng nhẽ tiếc sợi dây thừng dù "sợi dây" đó có giá 1,5 tỷ đồng, tại sao?
Bình luận 0

Cái giá 1,5 tỷ đồng thuê sân mà Ban quản lý sân Mỹ Đình đưa ra cho BTC trận Việt Nam-Arsenal, có phải là quá đáng không? Nếu đặt cái giá đó bên cạnh số tiền gần 50 tỷ đồng mà VFF và các nhà tài trợ bỏ ra để mời Pháo thủ sang Việt Nam, thì xem ra đòi hỏi của Ban quản lý sân Mỹ Đình không phải mang tính "chặt chém" như những gì mà ai đó đang cố hướng dư luận.

img
Điều người hâm mộ quan tâm là được xem Arsenal thi đấu với giá vé hợp lý chứ không phải những cuộc "khẩu chiến" qua lại giữa những người trong nhà

Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, cái việc tăng giá thuê sân này giống như giọt nước tràn ly với VFF sau nhiều lần họ phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước cảnh bị ép.

"Mấy khi có sự kiện đỉnh điểm như thế này, vé lên tới 1,5 triệu đồng/chiếc. Tôi tính sơ sơ nếu bán hết vé, BTC trận đấu đã có vài chục tỷ đồng. Đó là chưa kể đặt bảng quảng cáo, bán bản quyền truyền hình. Nếu thẳng tưng ra, chúng tôi còn phải đòi chia lợi nhuận mới đúng. Nhà có cỗ, bố mẹ được ăn thì cũng phải cho con ăn, chẳng nhẽ bắt con nhịn đói. Họ thu vài chục tỷ, đừng nên ngồi mặc cả có hơn tỷ đồng", Giám đốc sân Mỹ Đình, Cấn Văn Nghĩa trả lời báo giới.

"Vê ép ép" mà bị "ép", tin được không? Thực tế đúng như vậy. Trong những năm gần đây, VFF liên tiếp bị tăng giá sân: từ 80-100 triệu đồng, rồi 200 triệu. Gần nhất, trước trận giao hữu giữa Việt Nam - Indonesia hồi cuối năm ngoái, VFF đã rất "cú" khi Khu LHTTQG Mỹ Đình đòi phí thuê sân là 265 triệu đồng.

Mặc cả đi mặc cả lại cuối cùng chốt giá 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, VFF vẫn phải trả vài chục triệu "an ủi" Khu LHTTQG Mỹ Đình khi Indonesia bất ngờ hủy trận giao hữu theo kế hoạch diễn ra ngày 22.9 (chuyển sang 16.10).

Xa hơn, năm 2010 khi Việt Nam được chọn là đồng chủ nhà AFF Cup 2010 với Indonesia, Ban quản lý Khu LHTTQG Mỹ Đình từng suýt không cho VFF tổ chức vì không chia tiền quảng cáo. Cuối cùng vỡ ra các thương quyền AFF Cup (quảng cáo, bản quyền truyền hình...) thuộc về Liên đoàn bóng đá ĐNÁ (AFF), chứ không thuộc về VFF.

Trả lời báo giới, Chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ ấm ức: "Mỹ Đình hiện nay trực thuộc Bộ VH-TT-DL. Tôi cho rằng VFF cũng phải được coi như "ruột thịt" của Bộ, làm nhiệm vụ chính trị xã hội, chứ không thể coi chúng tôi là đối tác để tính lãi".

Hiểu nôm na lời ông Chủ tịch thì "gà cùng một mẹ", sao lại ép nhau?

Trao đổi với Dân Việt sáng 15.6, ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, cho biết: "Đến lúc này, thông tin mà chúng tôi được biết về việc Khu LHTTQG Mỹ Đình đòi ban tổ chức trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Arsenal phải chi 1,5 tỷ đồng tiền thuê sân, đều chỉ qua báo chí. VFF cũng như Khu LHTTQG Mỹ Đình chưa hề có báo cáo gì với Bộ".

Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: "Đầu tuần tới, tôi sẽ làm việc với Khu LHTTQG Mỹ Đình và Bộ VH-TT-DL để tìm ra giải pháp tốt nhất, sao cho các bên tìm được tiếng nói chung với nhau".

Xem ra, mâu thuẫn trong chuyện tiền nong giữa VFF và Khu LHTTQG Mỹ Đình sẽ mãi không được giải quyết nếu cơ quan quản lý là Bộ VH-TT-DL không có những động thái quyết liệt để tránh những trường hợp "khẩu chiến" qua lại trong tương lai.

Một bên là VFF luôn nói việc tổ chức các trận đấu là nhiệm vụ chính trị, phục vụ người hâm mộ chứ không phải kinh doanh kiếm lời. Sân Mỹ Đình được xây dựng bằng tiền đóng thuế của dân và phải có trách nhiệm chung sức với VFF để phục vụ người hâm mộ, thay vì đòi hỏi "quá đà".

Nhưng bên kia, Khu LHTTQG cũng chẳng vừa với cái lý họ đã được Nhà nước cho vận hành theo hình thức tự thu tự chi, nên buộc phải lấy giá cao để "nuôi sống" mình, duy trì hoạt động...

Phía trước, chờ xem Bộ VH-TT-DL sẽ "giải hòa" như thế nào giữa VFF, Ban tổ chức trận đấu tuyển Việt Nam - Arsenal với Khu LHTTQG Mỹ Đình.

Chỉ biết rằng điều người hâm mộ quan tâm nhất là họ có thể được thưởng thức trận đấu, được chứng kiến những ngôi sao Arsenal so tài trên sân với cái giá "mềm" nhất có thể! Chỉ khi làm được điều đó, những người trong cuộc mới có quyền nói tổ chức trận đấu hoàn toàn vì sự phát triển bóng đá Việt Nam, vì người hâm mộ chứ không vì gì khác!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem