Ông Nguyễn Đình Chính vận hành thử nghiệm xe bọc thép do mình chế tạo với tổng tiền đầu tư gần 2 tỷ đồng (ảnh: Việt Linh)
Sau hơn 1 năm, tự tìm tòi nghiên cứu dựng lên chiếc xe bọc thép, ông Nguyễn Đình Chính (56 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vừa phải tự tay tháo dỡ từng bộ phận, bán sắt vụn.
Ngồi một góc xưởng ngổn ngang máy móc, dầu mỡ, ông Chính lặng nhìn khung sắt trơ trọi. Đó là phần còn lại của chiếc xe bọc thép ông dồn hết tâm sức, thời gian chế tạo trong hơn 1 năm qua.
“Có chút vốn liếng tôi đều đầu tư vào cái xe này cả, tôi bỏ hết các công trình, dự án. Giờ tôi phải bán sắt vụn một phần để trả nợ, phần lấy tiền sinh sống. Chờ đợi quá lâu rồi, có lẽ các cơ quan tôi gửi hồ sơ đã quên mất chiếc xe này”, ông Chính ngậm ngùi nói.
Ông Chính cho hay, ông bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để chế tạo chiếc xe bọc thép. Ông đã gửi hồ sơ thiết kế của mình tới Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, với mong muốn được đầu tư nghiên cứu.
Theo ông Chính, chiếc xe ông làm vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, chưa hoàn thiện (ảnh: Việt Linh)
Hiện tại, ông đã bán máy, động cơ di chuyển cho một xưởng cơ khí, vỏ xe bán với giá sắt vụn được tổng cộng 100 triệu đồng.
Khuôn mặt buồn rầu kể ước mơ dang dở, nhưng nghe những câu hỏi về tính năng của chiếc xe, mắt ông Chính lại sáng rực lên.
“Tôi chỉ tạm dừng thôi, đây không phải thất bại. Ngay từ lúc bắt tay vào chế tạo, tôi đã xác định phải làm cho ra một chiếc xe bọc thép thực sự hiện đại, tính năng vượt trội. Tôi không cố gắng làm một chiếc xe gần giống với những chiếc đã có trên thế giới”, ông Chính nói.
“Được đầu tư, xe của tôi sẽ hiện đại nhất thế giới”
Người thợ cơ khí dẫn chứng, các xe bọc thép thế hệ cũ đều dùng hệ thống cầu trục, vi sai, xe của ông chạy hoàn toàn độc lập bằng thủy lực. Trường hợp nếu xe bị bắn hỏng 2 bánh cũng xe vẫn hoạt động được, vì các bánh xe đều hoạt động độc lập.
Người sáng chế chiếc xe bọc thép phải tháo dỡ đến bán sắt vụn trả nợ (ảnh: Tất Định)
Khi vượt chướng ngại vật các xe thông thường sẽ nâng độ cao gầm, độ nhún bánh xe tối đa 20cm, xe bánh xích được tối đa 60cm. Xe của ông đạt tới 80cm, vượt được chướng ngại vật cao 1,2m.
Về khả năng lội nước, các xe trên thế giới khi lội nước đạt vận tốc 12-13km là cao nhất.
“Trên lý thuyết xe của tôi có thể đạt tới 40km/h, bởi xe lắp tới 8 chân vịt, bánh xe có khả năng thu gọn tránh lực cản, nâng cao gấp đôi khả năng đổ bộ, tác chiến cho xe bọc thép. Tôi hoàn toàn có thể chứng minh trên lý thuyết, còn thực tế chiếc xe bọc thép của tôi chưa đủ kinh phí để lắp đặt thêm các bộ phận theo thiết kế”, ông Chính nói.
Ông Chính thừa nhận khi nhìn hình ảnh chiếc xe của ông, nhiều người sẽ thấy nó vẫn còn rất thô sơ, khó có khả năng tác chiến. “Đó chỉ là mô hình thử nghiệm, tôi muốn dựng lên một khung để xe có mô phỏng lại những nguyên lý cơ bản. Nếu được đầu tư, tôi tin rằng xe bọc thép do tôi sáng chế sẽ hiện đại nhất thế giới” .
Trước một số ý kiến cho rằng, một trong những phần quan trọng nhất của xe bọc thép là lớp vỏ bảo vệ chống đạn. Ông Chính cho biết, ông đã lường trước sức bên vật liệu, dự kiến sử dụng vật liệu hợp kim gốm ở phần vỏ.
“Xe của tôi có 2 tấm co giãn mềm, có lò xo, giảm sóc hơn có thể thu giữ được đầu đạn B40. Nếu không nhập khẩu được vật liệu hợp kim gốm cho phần vỏ, đầu tư đặt hàng ngay tại Việt Nam, tôi nghĩ có thể sản xuất được”.
Từng làm chủ xưởng cơ khí chế tạo của gia đình, từ khi dồn sức chế tạo xe bọc thép, xưởng của ông Chính sản xuất, kinh doanh ngày càng sa sút và phải đóng cửa. Ông Chính cho hay, ông vừa đi xin việc, làm giám sát của một công trình xây dựng.
“Khi nào có tiền, thời gian, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê. Tôi tin rằng mình sẽ chế tạo được chiếc xe bọc thép thương hiệu Việt Nam”, ông Chính khẳng định.
Chiếc xe bọc thép được ông Nguyễn Đình Chính chế tạo giữa tháng 9/2015 và hoàn thành vào tháng 5/2016, có thể di chuyển 20-30 km. Xe nặng 13 tấn, dài 6,8 m, rộng 3 m và cao 2,6 m. Theo ông Chính xe có thể chạy ngang dốc nghiêng 45 độ, nâng hạ gầm từ 0,3 m đến 1,2 m và vượt chướng ngại vật cao 1,5 m.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.