Sử sách ghi chép, Lưu Nga từ một mỹ nhân có thân phận thấp kém, bằng tài năng, trí tuệ và nhan sắc hơn người đã từng chút một, bước lên vị trí hoàng hậu, rồi thái hậu. Nàng thậm chí còn từng mặc long bào, chấp chính vài chục năm, nắm giữ số phận vương triều Bắc Tống, thế nhưng không giống như Võ Tắc Thiên, Lưu Nga không xưng đế. Nguyên nhân tại sao?
Thời Bắc Tống phổ biến quan niệm trọng văn khinh võ. Quốc sách của Tống Thái Tông là "cùng sĩ phu cai trị thiên hạ". Dưới tình huống như vậy, sĩ phu Bắc Tống là một lực lượng chính trị vô cùng to lớn. Lưu Nga mặc dù là thái hậu, quyền lực nghiêng ngả triều đình, nhưng vẫn phải thông qua tập đoàn sĩ phu để thống trị thiên hạ, khó mà thao túng được quyền lực tuyệt đối.
Thực tế, Lưu thái hậu có rất nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới nhưng đều bị các đại thần sĩ phu trong triều phản kháng mạnh mẽ. Có lần Lưu thái hậu ướm hỏi tể tướng về trường hợp của Võ Tắc Thiên, nhận được câu trả lời mắng chửi họ Võ là nguy cơ xã tắc. Nghe được lời ấy, Lưu thái hậu lặng lẽ không nói gì, trong lòng buồn phiền, hết sức khó xử.
Sau, Lưu thái hậu muốn mặc long bào đến Thái miếu để tế bái, lại bị các đại thần phản đối kịch liệt. Cuối cùng, hai bên thỏa hiệp, Lưu thái hậu vẫn được mặc long bào, đội mũ miện của thiên tử vào Thái miếu. Thế nhưng, để thỏa lòng giới sĩ phu thiên hạ. Lưu thái hậu cho bỏ đi 2 chương biểu thị "trung hiếu" và "khiết tịnh" đồng thời cũng không đeo kiếm ngọc biểu thị của Hoàng đế. Như vậy, có thể thấy, Lưu thái hậu quyền lực rất lớn nhưng nếu xưng đế không thể chiếm được lòng thần tử, nguy cơ trùng trùng.
Sau đó, Lưu thái hậu suy tính thiệt hơn, quyết định lui lại một bước. Tại Văn Đức điện, nàng được quần thần tôn tôn hiệu Ứng Thiên Tề Thánh Hiển Công Sùng Đức Từ Nhân Bảo Thọ Hoàng thái hậu, ca ngợi công đức của bà. Cùng ngày, Lưu thái hậu cũng chính thức trao trả quyền hành về cho Tống Nhân Tông.
Đáng nói, sau khi nhận lại quyền lực, Tống Nhân Tông vẫn không chiếm được sự tin tưởng hoàn toàn của các trọng thần. Trong triều có người còn cả gan lên lớp hoàng đế, yêu cầu Lưu thái hậu chấp chính trở lại.
Sau này, khi sắp mất, Lưu thái hậu không ngừng lấy tay chỉ vào y phục của mình. Tống Nhân Tông không hiểu, bèn hỏi đại thần xung quanh. Tham chính Tiết Khuê nói, là do Lưu Thái hậu mặc long bào, đội mũ miện thì không thích hợp gặp lại tiên đế Tống Chân Tông. Hiểu ra, Nhân Tông mới cho táng Lưu thái hậu với trang phục dành cho Hoàng hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.