Vì thuốc lá, ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tim mạch

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 27/06/2015 06:53 AM (GMT+7)
Bệnh tim mạch như tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao... xưa nay vẫn được coi là bệnh của người già, vì quá trình xơ vữa động mạch phải diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, nhiều người trẻ đã sớm “già hóa” trái tim do ngồi nhiều, ít luyện tập và nghiện bia rượu, thuốc lá.
Bình luận 0

Chưa già đã hỏng

Cách đây 3 năm, anh Hoàng Văn Mạnh (36 tuổi, TP.Bắc Ninh) tự nhiên thấy đau thắt ngực. Các cơn đau bắt đầu từ xương ức sau đó lan đến cổ, vai, tay, hàm, sau lưng. Có lúc cơn đau lan từ vai xuống tận các ngón tay. Lúc đầu anh Mạnh cũng chỉ nghĩ mình nằm lệch lại ngồi máy tính nhiều nên bị đau vai, đau cổ. Thậm chí có lúc anh còn nghĩ mình bị cảm mạo nên cơ thể mỏi mệt. Các cơn đau đến rồi đi rất nhanh nên anh Mạnh cũng chủ quan bỏ qua. Tuy nhiên, các cơn đau ngày càng dày lên, kèm theo các cơn đau thắt ngực đến toát mồ hôi hột, nhịp tim cũng gia tăng, đập thùng thùng trong lồng ngực. Có lúc anh Mạnh cảm thấy như có bàn tay buốt giá lùa vào ngực, bóp nghẹt trái tim. Nhưng anh Mạnh vẫn lười đi khám. Đến khi giữa cuộc họp anh bị khó thở, mệt lả, mồ hôi đầm đìa, đồng nghiệp phải mang đi cấp cứu.

img
 Chỉ cần hút 1-4 điếu thuốc/ngày, người trẻ cũng dễ bị mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao (ảnh minh họa: Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).  Ảnh:  D.L

Chẩn đoán cho thấy anh bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn, phải điều trị lâu dài. Sức khỏe của anh từ đó cũng suy yếu, không thể làm việc nặng, vận động một lúc đã thở không ra hơi.

Theo các bác sĩ, bệnh của anh Mạnh vốn là bệnh của người già nhưng do anh Mạnh nghiện thuốc lá nên thành mạch sớm bị xơ vữa, dẫn đến bệnh nặng. Theo các bác sĩ, bệnh của anh là do hút thuốc lá nhiều gây nên.

GS-TS Phạm Gia Khải – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, đau thắt ngực hay còn gọi là chứng thiếu máu cục bộ do giảm lượng máu cung cấp tới tim. Nguyên nhân là do mảng xơ vữa chủ yếu do chất mỡ lắng đọng trên thành mạch máu, có cấu tạo bởi một nhân lipid và một vỏ xơ. Mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch và dần dần gây tắc mạch, dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ ở tim. Các mảng xơ vữa phải một thời gian dài mới hình thành, do đó bệnh này phần lớn là của người già. Tuy nhiên, các chất độc trong khói thuốc sẽ làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, dẫn tới sự co thắt mãn tính cho mạch máu. Mạch máu bị tác động sẽ dễ hình thành mảng bám một cách nhanh chóng, tạo điều kiện mảng bám hình thành các cục máu và cản trở động mạch và gây ra đau tim. Nếu cơ tim không nhận đủ khí ô xy trong suốt thời gian co bóp thì một phần cơ tim có thể tê liệt, kết quả là gây đau tim.

Theo các bác sĩ, cơn đau tim đến sớm hay muộn tùy thuộc vào lượng chất độc mà người hút thuốc hít vào mỗi ngày. Người càng nghiện nặng càng sớm bị đau tim, đồng thời các cơn đau cũng nhiều hơn, mức độ tệ hại hơn. Theo ước tính, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tái phát bệnh đau tim trong một năm từ 6,3 - 12,5% so với người không hút thuốc.

Đang đánh cầu lông, anh Trần Đức Cảnh (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đột nhiên ôm ngực rồi ngã quỵ xuống. Chẩn đoán cho biết anh Cảnh bị nhồi máu cơ tim cấp nên các bác sĩ đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kịp thời làm tan huyết khối mạch vành, cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, động mạch của anh Cảnh đã xuất hiện nhiều xơ vữa, có thể gây tắc nghẽn động mạch bất cứ lúc nào. Nguy cơ anh Cảnh bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim vẫn có thể xảy ra. Một trong những nguyên nhân khiến anh Cảnh sớm bị già hóa là vì hút thuốc lá. Mỗi ngày, anh Cảnh hút 10-15 điếu thuốc. “Cho dù được cảnh báo là thuốc lá nguy hiểm nhưng tôi vẫn thấy sức khỏe của mình còn tốt, tuổi còn trẻ nên chủ quan, không muốn bỏ thuốc. Giờ thì nguy hiểm quá, muốn sống tốt không có cách nào khác là phải bỏ thuốc” – anh Cảnh tâm sự.

Càng hút thuốc càng chóng già

GS-TS Nguyễn Lân Việt – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ông chưa bao giờ thấy nhiều bệnh nhân tim mạch như vậy. Cách đây 10 năm, Viện Tim mạch chỉ có 1 bệnh phòng với vài chục giường thì nay đã “nở” ra 9 bệnh phòng nhưng vẫn quá tải. Hiện mỗi ngày, viện phải cấp cứu 20 ca nhồi máu cơ tim, bằng số ca bệnh cả năm của 15 năm trước. Bệnh phình tắc động mạch chủ trước kia hiếm thấy nhưng hiện nay ngày nào viện cũng có một vài ca. GS Việt cũng cho biết, theo nghiên cứu cứ 3 người lớn thì có 1 người bị huyết áp cao, đồng nghĩa với nguy cơ bị bệnh tim mạch. Người xếp hàng siêu âm tim phải chờ đợi vài tuần, thậm chí cả tháng.

Cũng theo GS Lân Việt, điều tra cho thấy, năm 1960 chỉ có 1% dân số bị huyết áp cao, nhưng hiện nay có khoảng 30% người trưởng thành (từ 25-60 tuổi) bị huyết áp cao, tương đương khoảng 11 triệu người. “Huyết áp cao đồng nghĩa với các bệnh tim mạch khác, nguy cơ đột qụy, nguy hiểm đến tính mạng là rất lớn, ngoài ra, sức lao động cũng bị giảm sút” – GS Việt cho biết.

Bác sĩ Dương Đức Hùng -Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch quốc gia) cũng nhận định, ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ mắc bệnh tim mạch- bệnh vốn là của người già. Có nhiều bệnh nhân chưa đầy 30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim, đột qụy hoặc tắc động mạch vành. “Trừ người mắc bệnh tim bẩm sinh còn các bệnh nhân trẻ khác hầu như đều có một hoặc nhiều vấn đề tiền sử như uống nhiều rượu, béo phì, ít vận động hoặc hút thuốc lá” – bác sĩ Hùng cho biết.

Theo bác sĩ Hùng, điều kiện vật chất đầy đủ khiến nhiều người ở thành thị dễ bị mắc bệnh tim mạch hơn. Tuy nhiên, ở nông thôn, tỷ lệ người dân mắc bệnh “người giàu” cũng ngày một gia tăng. Người dân có thể ăn ít thịt nhưng nhiều người lại nghiện rượu, nghiện thuốc lá, ăn mặn… do đó nguy cơ xơ vữa động mạch cũng rất lớn.

Còn theo nghiên cứu trước đó của TS Aage Tverdal (Viện Sức khỏe cộng đồng Na Uy) và các cộng sự, nguy cơ tử vong ở người hút thuốc cao hơn 50% so với người không hút thuốc. TS A.Tverdal đã tiến hành theo dõi và thu thập dữ liệu tình hình sức khỏe, mức độ hút thuốc lá và tỷ lệ tử vong của gần 43.000 người, cả nam lẫn nữ trong vòng gần 30 năm. Kết quả cho thấy, những người này không chỉ nguy cơ tử vong cao hơn 50% người không hút thuốc mà mức tăng này còn tỷ lệ thuận với số lượng thuốc được hút mỗi ngày. Riêng về bệnh tim mạch thì ở những người hàng ngày hút từ 1 - 4 điếu thuốc, nguy cơ tử vong vì bệnh mạch vành cao hơn gấp 3 lần so với người không bao giờ hút thuốc. Đáng nói, nguy cơ này không có ngưỡng an toàn dù hút 1 điếu hay 20 điếu/ngày. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tuổi thọ bình quân của người hút thuốc kém hơn 10 năm so với người không hút, nhưng nếu người nghiện cai được thuốc, dù ở tuổi trung niên, thời gian “chết sớm” đó sẽ giảm đi một nửa.

Theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Văn Dương (Viện Tim mạch Việt Nam) trên 165 bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân hút thuốc có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn 3,45 lần những bệnh nhân không hút thuốc. Tỷ lệ rối loạn Lipide máu ở nhóm có hút thuốc lá cũng cao hơn gấp đôi so nhóm không hút thuốc. Các thành phần mỡ LDL.C, Triglyceride, Cholesterol máu đều có tỷ lệ cao hơn nhóm không hút thuốc. Ngoài bệnh tim, người hút thuốc còn có nguy cơ cao về  bệnh đái đường và huyết áp cao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem