Donald Trump đang khiến các công ty Trung Quốc muốn rời bỏ quê hương, chuyển đến đặt nhà máy ở Mỹ.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ngày càng nhiều người lo ngại khả năng các nhà sản xuất Trung Quốc rời bỏ chính môi trường kinh doanh trong nước.
Kể từ khi mở cửa trong những năm 1980 và 1990, đặc biệt sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà sản xuất. Đây là một trong những yếu tố đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhận thấy sự thay đổi sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hối thúc công ty Mỹ đem việc làm về quê hương. Đây cũng là thời điểm mà mức thuế và chế độ ưu đãi của Trung Quốc không còn hướng đến các nhà sản xuất tư nhân.
Chính quyền Trung ương Trung Quốc cũng khuyến khích các doanh nghiệp đưa lao động đến nơi khác làm việc vì Bắc Kinh muốn hướng nền kinh tế sang dịch vụ có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao.
Theo SCMP, dường như Trung Quốc đang quá nôn nóng trong việc thay đổi, dẫn đến nhiều công ty tư nhân gặp khó khăn. Hãng sản xuất giày dép Stella International năm ngoái đã quyết định đóng cửa nhà máy có thâm niên 13 năm ở trung tâm công nghiệp phía nam Đông Quản, sa thải hàng ngàn công nhân.
Cao Dewang nói Mỹ có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với công ty của ông.
Tuần trước, Ông Cao Dewang, nhà sáng lập Fuyao Glass, công ty sản xuất kính ôtô hàng đầu thế giới, nói Mỹ chi phí sản xuất tại Mỹ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Chi phí điện chỉ bằng một nửa và chi phí vận tải cũng thấp do Mỹ không thu phí đường cao tốc.
Trong khi đó, dù thuế thu nhập doanh nghiệp ở Trung Quốc chỉ 25% nhưng sau khi thêm đầy đủ các loại thuế phí khác thì cao hơn mức tổng của Mỹ đến 17%..
Công Foxconn của Đài Loan, có hàng triệu nhân công ở Trung Quốc để sản xuất iPhone và các hợp đồng điện tử khác, cũng xác nhận đang muốn thiết lập nhà máy ở Mỹ.
“Đừng để Foxconn rời đi” là tiêu đề đang lan tỏa trên trang mạng xã hội Trung Quốc. So với thời điểm cách đây vài năm trước, truyền thông Trung Quốc mô tả Foxconn là công ty đưa lao động “đến chỗ chết”.
Lu Zhengwei, giám đốc kinh tế tại Ngân hàng Công nghiệp, nói ngành công nghiệp giá rẻ Trung Quốc thực tế đã bắt đầu thoái trào năm 2012. Khi đó, ngành dịch vụ của nước này lần đầu tiên vượt qua sản xuất, đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa. Bắc Kinh ca ngợi đây là cột mốc quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp.
Việc Trung Quốc tăng thuế và chi phí thuê đất đã khiến nhiều doanh nghiệp từ bỏ nước này, ông Lu nói.
Hàng triệu công nhân Trung Quốc có thể bị sa thải nếu Foxconn đặt nhà máy tại Mỹ.
Ngày nay, Trung Quốc dường như đang bước theo con đường mà ngành công nghiệp Nhật Bản trải qua những năm 1980, Arthur Kroeber, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của công ty Gavekal Dragonomics cho biết.
Cả hai nước đều sử dụng năng lực xuất khẩu mạnh mẽ để trỗi dậy trên bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu, đe dọa sự thống trị của Mỹ cả về kinh tế và chính trị.
Sự khác biệt là Nhật Bản đã giải quyết vấn đề bằng cách cất giữ những công nghệ cốt lõi ở quê nhà. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tụt hậu trong việc đổi mới công nghệ, ông Lu đến từ Ngân hàng Công nghiệp nói.
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất toàn cầu mạnh mẽ, với cơ sở hạ tầng tốt, đội ngũ nhân công kỷ luật và có kỹ năng. Bắc Kinh cũng sở hữu thị trường nội địa lớn.
“Vẫn còn quá sớm để lo lắng về tương lai của ngành sản xuất Trung Quốc chỉ vì một vài công ty đang chuyển dịch hoạt động sang Mỹ”, Leslie Young, Giáo sư kinh tế tại Trường Cheung Kong ở Bắc Kinh nhận định. “Biện pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất ở Trung Quốc là chính trị. Điều này đảm bảo cho các nhà sản xuất Trung Quốc có một sân chơi bình đẳng và an toàn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.