Viêm nhiễm nặng vùng hàm mặt từ những tai nạn "bé tí"

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 30/03/2024 06:30 AM (GMT+7)
Nhiều bệnh nhân chấn thương vùng hàm mặt phải nhập viện vì tai nạn nhỏ, tưởng chừng không có gì nguy hiểm.
Bình luận 0
Thời gian gần đây, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm nhiễm vùng hàm mặt nặng nề sau tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động nhỏ. 

Hầu hết các bệnh nhân đều cho rằng đó chỉ là "va chạm" nhỏ, tự giảm đau hoặc điều trị qua loa mà không ngờ vết thương tiến triển nặng, gây viêm nhiễm, đau đớn. 

Nằm viện 20 ngày vì mảnh sắt bắn vào môi

Một bệnh nhân là N.T.B (sinh năm1958) vào viện với chẩn đoán: Viêm tấy môi trên do dị vật, tăng huyết áp- đái tháo đường. 

Theo lời kể của bệnh nhân, trong lúc lao động, bệnh nhân bị mảnh sắt bắn vào khiến môi sưng nề, tấy đỏ vùng môi. 

Bệnh nhân đã nhập viện tuyến dưới điều trị kháng sinh và trích rạch vùng góc mép. Tuy nhiên, sau khi trích rạch tình trạng viêm tấy không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Phẫu thuật tạo hình sọ mặt, Bệnh viện Quân đội 108.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện dị vật vẫn còn tồn tại trong vết thương nên đã phẫu thuật lại, nạo vét, dẫn lưu toàn bộ dịch mủ còn lại và loại bỏ dị vật. 

Viêm nhiễm nặng vùng hàm mặt từ những tai nạn "bé tí"- Ảnh 1.

Bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật tạo hình sọ mặt, Bệnh viện Quân đội 108 xử lý vết thương cho bệnh nhân. Ảnh BVCC

Sau mổ bệnh nhân được điều trị tích cực, điều chỉnh huyết áp và đường huyết về giới hạn bình thường, sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ, thay băng bơm rửa vết mổ 2 lần/ngày. Khi tình trạng vết mổ sạch, tiến hành khâu thưa vết mổ đồng thời tiếp tục điều trị kháng sinh và điều chỉnh đường huyết.

20 ngày sau mổ, bệnh nhân đã được ra viện với tình trạng vết thương hoàn toàn ổn định.

Bệnh nhân thứ hai là P.T.H (sinh năm 1998) vào viện với chẩn đoán: Viêm tấy hàm trên bên trái sau chấn thương do tai nạn sinh hoạt.

Theo lời kể của bệnh nhân khi đang di chuyển vô tình đập mũi vào cửa kính. Ngay sau đó khoảng vài tiếng vị trí rãnh mũi má T sưng nề, tấy đỏ mặc dù không chảy máu mũi, không xuất hiện vết thương ngoài da.

Ngày thứ 2 vị trí rãnh mũi má sưng nề tăng, bệnh nhân tự ý bôi mật gấu ngoài da. Đến ngày thứ 6, tình trạng sưng nề tăng lên nhiều hơn đồng thời tăng cảm giác đau khiến bệnh nhân không thể chịu đựng được và đã buộc phải vào viện tuyến dưới khám và được kê thuốc uống giảm nề.

Tuy nhiên, sau khi uống thuốc tình trạng viêm tấy không thuyên giảm, tại vị trí lợi dính hàm trên bên trái có nhiều dịch mủ, màu nâu vàng, hôi chảy xuống miệng.

Bệnh nhân đã được chuyển tới Trung tâm Phẫu thuật tạo hình sọ mặt của Bệnh viện Quân đội 108. Tại đây, các bác sĩ đã khám vị trí lợi dính hàm trên bên trái răng 2.1, 2.2 sưng nhẹ, chảy ít dịch và cho chỉ định chụp CT conebeam, khám chuyên khoa răng.

Sau khám chuyên khoa, bệnh nhân được chẩn đoán răng viêm quanh cuống, rò mủ ngách tiền đình được điều trị tủy răng sử dụng kháng sinh tích cực phối hợp với thuốc chống viêm đường tĩnh mạch đồng thời được các điều dưỡng hỗ trợ và hướng dẫn vệ sinh răng miệng tích cực hàng ngày.

Sau 5 ngày điều trị, tình trạng tại chỗ của bệnh nhân đã tiến triển tốt, tình trạng sưng nề đã giảm nhiều, vị trí răng bị viêm không còn dịch mủ, tiếp tục được điều trị tủy răng.

Không chủ quan với vết thương vùng hàm mặt

Theo TS, bác sĩ Lê Diệp Linh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Sọ mặt, Bệnh viện Quân đội 108, viêm tấy hàm mặt là tình trạng viêm mô tế bào hoại tử lan rộng không giới hạn, với các biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. 

Bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng nhanh khiến bệnh nhân bị nhiễm độc, nhiễm trùng huyết, nghẹt thở do nề thanh môn hay nhiễm độc hành tủy, nhiễm khuẩn trung thất... và có thể tử vong.

TS Linh cũng cho biết, những viêm tấy hàm mặt đôi khi xuất phát từ những va chạm nhỏ trong tai nạn sinh hoạt hay tai nạn lao động. 

Nhiều bệnh nhân cho rằng va chạm nhẹ, chỉ hơi đau, hơi sưng, chườm đá hoặc tự bôi thuốc... Tuy nhiên, vết thương có thể gây nhiễm trùng nặng dẫn đến nguy cơ tử vong cao. 

Do đó, TS Linh cho biết, khi người dân gặp các chấn thương hàm mặt cần sơ cứu, băng bó vết thương để ngăn ngừa chảy máu rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, loại bỏ các dị vật trong vết thương, khử trùng, khâu vết thương... 

Đặc biệt lưu ý đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường…khi xuất hiện vết thương hở cần lưu ý tiêm phòng uốn ván. 

Người dân cũng cần vệ sinh răng miệng hằng ngày, nhất là đối với trẻ em đang thay răng và người già bị rụng răng thì việc vệ sinh răng miệng càng phải được đặc biệt chú ý.

"Rất nhiều bệnh nhân bị viêm nhiễm vùng hàm mặt đều đến muộn bởi chủ quan cứ nghĩ bệnh thông thường, tự ý mua thuốc uống. Nhiều trường hợp do đến bệnh viện rất muộn, bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. 

Chính vì vậy khi thấy các biểu hiện bất thường vùng hàm mặt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và chữa bệnh kịp thời", TS Linh khuyến cáo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem