Viện Chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng tầm con giống

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 28/10/2017 13:10 PM (GMT+7)
TS Nguyễn Thanh Sơn (ảnh) – Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, Bộ NNPTNT đã có những chia sẻ với phóng viên về chặng đường phát triển, những thành tựu đạt được của Viện Chăn nuôi quốc gia nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập.
Bình luận 0

img

Viện Chăn nuôi quốc gia là một trong những đơn vị chọn tạo giống hàng đầu Việt Nam. Điểm lại những năm qua, theo ông đâu là thành tựu nổi bật nhất của viện?

- Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Canh nông trước đây và nay là Bộ NNPTNT, Viện Chăn nuôi đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

img

Tiêm vaccine cho đàn gà tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Vạn Phúc (Viện Chăn nuôi). Ảnh: Thế Duyệt

"Chúng tôi sẽ xây dựng Viện trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học ngang tầm khu vực và quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi nước nhà phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững”.

TS.Nguyễn Thanh Sơn

Có thể nói, Viện Chăn nuôi là một cơ sở chọn tạo giống vật nuôi hàng đầu của nước ta. Cùng với các phương pháp chọn tạo giống truyền thống, Viện đã làm chủ được các công nghệ chọn tạo giống hiện đại. Nhờ đó Viện đã chọn lọc, lai tạo được hàng chục loại vật nuôi khác nhau với nhiều chủng loại dòng, giống, tổ hợp lai  có năng suất và chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu đa dạng của sản xuất.

Cho đến nay, Viện đã trở thành một địa chỉ tin cậy cung cấp các giống vật nuôi tốt nhất đối với các doanh nghiệp, chủ trang trại và bà con nông dân trong cả nước. Mỗi năm Viện cung cấp từ hàng trăm ngàn đến hàng chục triệu con giống lợn, gia cầm, dê, cừu, thỏ có khả năng sinh trưởng và sinh sản cao, cùng với đó là hàng triệu liều tinh trâu bò đông lạnh cọng rạ được chuyển giao cho các tỉnh thành phố, chiếm 65-70% thị phần tinh bò thịt, bò sữa của cả nước.

Trong 5 năm gần đây (2012-2017) Viện đã có 41 tiến bộ kỹ thuật được Bộ NNPTNT công nhận, trong đó có 5 dòng, giống lợn mới, 12 dòng gà, 6 dòng ngan, 8 dòng vịt mới, 4 tổ hợp lai đà điểu, 5 tổ hợp bò lai hướng thịt đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất với quy mô lớn và có hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với việc đầu tư nghiên cứu chọn tạo các giống mới, trong những năm qua, Viện đã triển khai thành công việc bảo tồn hơn 70 nguồn gen vật nuôi bản địa, các giống động vật quý hiếm, nhờ đó mà hơn 40 giống bản địa đã tránh được sự tuyệt chủng và đã được khai thác, phát triển trong sản xuất. Đồng thời với sự thành công trong lĩnh vực di truyền giống, lĩnh vực nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi, lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, cũng đạt nhiều kết quả to lớn.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, Viện Chăn nuôi đã thúc đẩy hợp tác quốc tế như thế nào để chọn tạo ra những giống vật nuôi tốt nhất thế giới?

- Trong những năm qua, Viện đã có khoảng 30 dự án hợp tác với trên 26 nước và 15 tổ chức quốc tế như Mỹ, Nga, Pháp, Bungaria, Hungary, Trung Quốc, Séc, Nauy, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Argentina, Estonia…, cùng nhiều hợp tác với các trường Đại học Wagenigen (Hà lan), Liege và Gembloux (Bỉ), Gottingen (Đức), New England (Úc),  Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD, Pháp), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI)…

Hợp tác quốc tế đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong toàn viện; tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học trong nước có điều kiện tiếp cận nhanh với công nghệ mới.

Thông qua con đường hợp tác quốc tế, nhiều cán bộ khoa học của Viện đã được đào tạo, nhiều giống vật nuôi mới được du nhập vào Việt Nam, không chỉ làm phong phú thêm nguồn tài nguyên di truyền mà còn trực tiếp cung cấp vật liệu di truyền cho quá trình chọn tạo giống mới. Trong những năm tới, việc hợp tác sẽ được tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn, có nhu cầu lớn như công nghệ sinh học, di truyền giống, môi trường, bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học,

Nước ta đang hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ 4.0, vậy trong bối cảnh đó Viện sẽ có những định hướng phát triển như thế nào trong giai đoạn tới?

- Phát huy những thành tích đã đạt được, trong giai đoạn tiếp theo, Viện Chăn nuôi quốc gia sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các nghiên cứu phải thiết thực, gắn với thực tiễn quản lý của ngành, giải quyết các vấn đề mà ngành và địa phương đang đặt ra; đi đầu trong việc nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực chăn nuôi, nhằm góp phần cải tiến, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

Cùng với đó, viện sẽ tích cực tham gia phản biện và đóng góp xây dựng phát triển ngành chăn nuôi, phục vụ có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Viện.

Viện cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp với các nhà khoa học cả ở trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem