Sáng nay (15.1), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư bào chữa cho các bị cáo, cũng như đối đáp lại phần các bị cáo tự bào chữa.
Trả lời các luật sư về vấn đề lợi ích nhóm trong vụ án, vị đại diện VKS nói: "Xét về mối quan hệ cho thấy, bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh đều do bị cáo Đinh La Thăng có vai trò quyết định trong việc tiếp nhận về PVN và được cất nhắc vào các chức vụ".
Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN
“Xuất phát từ các mối quan hệ đã có, như đã phân tích, mặc dù biết Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang có khó khăn tài chính, không đủ năng lực thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, để tạo điều kiện cho PVC, bị cáo Đinh La Thăng đã ưu ái, bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu dự án. Sau đó, chỉ đạo các bị cáo tại PVN và các đối tượng liên quan tại PVPower ký hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC trái quy định của pháp luật, để bị cáo Thanh và đồng phạm tại PVC sử dụng số tiền trên trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước. Qua đó, thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án”, vị đại diện VKS nói.
Đối đáp về quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo không đồng tình với phần luận tội của VKS khi cho rằng các bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co, chối tội, vị đại diện VKS nói: "Cần hiểu rõ hai vấn đề như sau, quyền của bị cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và nhận định, đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng với thái độ, nhận thức của bị cáo đối với hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Đại diện VKS đối đáp tại tòa. (Ảnh: TTXVN)
“Khi xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo thấy rằng, mặc dù theo VKS đủ cơ sở buộc tội bị cáo về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, nhưng các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đều không thừa nhận, cho rằng sai phạm của cấp dưới. Các bị cáo chỉ chịu trách nhiệm thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến hậu quả. Do đó, VKS không đề nghị cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm F khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015”, vị đại diện VKS cho biết.
Vẫn theo vị đại diện VKS, tình tiết giảm nhẹ chỉ được hiểu là các bị cáo thành thật khai báo và ăn năn, hối hận về hành vi đó. “Trong phần xét hỏi, câu hỏi này đã được đặt ra với điều tra viên và điều tra viên cũng trả lời rõ quan điểm. Đây là quan điểm VKS đưa ra khi đánh giá về tăng nặng, giảm nhẹ với hành vi của các bị cáo gây ra, còn chấp nhận hay không là do HĐXX”, vị đại diện VKS bày tỏ.
Ông Đào Thịnh Cường - Phó Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội - nói trong phần luận tội cho các bị cáo (ngày 11.1): “Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần của tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Vì vậy, việc đưa vụ án này ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ tham nhũng, lãng phí; thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật và có thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm với bất kỳ ai, dù họ ở cương vị nào. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi. Công lý phải được thực thi, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.