Không chờ vi phạm, lựa chọn đơn vị mất đoàn kết, bị phản ánh kéo dài để thanh tra
Cụ thể, tháng 3/2022, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã ký Chỉ thị số 03 về công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị về tăng cường công tác thanh tra trong ngành, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn một số hạn chế.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác, tạo chuyển biến tích cực, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đáp ứng yêu cầu của Ngành và của Nhà nước, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có một số yêu cầu với các đơn vị.
Thứ nhất, người đứng đầu VKSND các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo vào những quy định của pháp luật, của Ngành có liên quan đến công tác thanh tra.
Tổ chức thực hiện công tác thanh tra nhằm góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường trật tự kỷ cương…
Thứ hai, các đơn vị thuộc VKSND Tối cao, VKSND các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, không chỉ tiến hành thanh tra khi có vi phạm mà cần lựa chọn những khâu yếu, chất lượng công tác còn hạn chế, những đơn vị mất đoàn kết, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc kéo dài để thanh tra.
Việc này nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém đó. Đơn vị nào để xảy ra vi phạm; khiếu nại, tố cáo trong nội bộ kéo dài, không được thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Viện trưởng VKSND Tối cao.
Chủ động chọn đối tượng thanh tra
Thứ ba, Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp chỉ đạo đơn vị thanh tra chủ động nắm bắt thông tin để lựa chọn đối tượng thanh tra; phối hợp với các đơn vị nhiệp vụ cùng cấp nắm bắt những vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong các lĩnh vực công tác, chủ động tham mưu, đề xuất chỉ đạo tiến hành thanh tra đột xuất.
Tăng cường thanh tra đối với đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ; có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng Ngành, công tác thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; lợi dụng vị trí công việc, đơn vị công tác để thực hiện việc riêng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của Ngành, cơ quan, đơn vị.
Đáng chú ý, Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu qua thanh tra làm rõ ưu điểm, kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót, vi phạm; làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp công chức, viên chức, người lao động vi phạm, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc để xảy ra oan sai.
Thứ tư, VKSND các cấp hàng năm xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, không xem số lượng các cuộc thanh tra là thành tích, không phải cứ thanh tra là phải có sai phạm mà qua thanh tra phải làm rõ được bản chất sự việc, có hay không sai phạm; trường hợp tai nạn nghề nghiệp cần tạo điều kiện để khắc phục, sửa chữa.
Đồng thời cần phải ý thức trách nhiệm bảo vệ cán bộ làm đúng, làm tốt nhưng do bị động chạm trong giải quyết công việc, bị tố cáo vì động cơ cá nhân.
Chỉ thị số 03 vừa được Viện trưởng Lê Minh Trí ký ban hành sẽ thay thế cho các Chỉ thị số 04 ngày 14/8/2013 (tăng cường công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân), số 08 ngày 28/11/2017 (tăng cường thanh tra đột xuất đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự) của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.