Viếng ngôi chùa nổi tiếng như đi du lịch Thái Lan trên đất Sài thành

Hoàng Ba Đình Chủ nhật, ngày 14/11/2021 09:07 AM (GMT+7)
Ngôi chùa này có tên chính thức Thiền viện tổ đình Bửu Long, gọi tắt là chùa Bửu Long. Có điều, với dân Sài Gòn, họ thường gọi bằng chùa Thái Lan.
Bình luận 0

"Ê trời, mày đi du lịch Thái Lan lúc nào không cho bạn bè biết?". "Nó đi Thái Lan hả? Để nhắn nó mua quà cho tao. Đi không báo gì hết"... Đấy là hàng loạt tin nhắn, cũng như comment trên facebook mỗi khi có ai đó up ảnh đi chùa Bửu Long (TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Viếng ngôi chùa nổi tiếng như đi du lịch Thái Lan trên đất Sài thành - Ảnh 1.

Khách viếng chùa đang đứng trước bảo tháp Gotama. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Có một thời, khi ngôi chùa này chưa nổi, việc up ảnh chụp với chùa Bửu Long lên facebook đều khiến mọi người hú hồn vì tưởng "gia chủ" mới đi du lịch Thái Lan. Bởi, từ kiến trúc, cảnh quan, bài trí, hồn cốt... của ngôi chùa Bửu Long rất giống những ngôi chùa khác ở xứ sở Phật vàng, khiến nhiều người phải nhầm lẫn. Nay ngôi chùa Bửu Long đã quá nổi tiếng, nên chuyện nhầm lẫn càng ít đi.

Ngôi chùa có tên chính thức Thiền viện tổ đình Bửu Long, gọi tắt là chùa Bửu Long. Có điều, với dân Sài Gòn, họ thường gọi bằng "chùa Thái Lan". Gọi chùa Bửu Long thì có người biết, người không, còn nguyên tổ hợp Thiền viện Tổ đình Bửu Long chắc chắn nhiều người chẳng biết đấy là gì.

Thậm chí, có một số người, đã đi chùa Bửu Long rồi, nhưng nói đến chùa Bửu Long lại lơ ngơ. Họ còn khẳng định chắc nịch rằng "biết chùa Thái Lan, nhưng chẳng biết chùa Bửu Long ở đâu cả".

Viếng ngôi chùa nổi tiếng như đi du lịch Thái Lan trên đất Sài thành - Ảnh 2.

Lối trang trí “rùa đội hạc” rất phổ biến của các đình chùa Việt Nam. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Quả thật, gọi "chùa Thái Lan" cũng phải thôi. Nhìn bên ngoài mang rõ kiến trúc Phật giáo Nam tông, đúng điệu chùa chiền bên Thái, bên Miến. 

Năm 2019, Chùa Bửu Long từng được tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn là một trong 20 công trình Phật giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới.

Ông Lư Mê Li, hướng dẫn viên du lịch đã từng dẫn nhiều đoàn khách đến tham quan ngôi chùa này lại cho rằng: "Bảo ngôi chùa này là chùa Thái Lan, thực sự không đúng. Bởi chùa Bửu Long mang lối kiến trúc bản địa của nền văn hóa Phù Nam. Lối kiến trúc Phù Nam này được Thái Lan, Miến Điện, Campuchia và một phần Việt Nam chúng ta kế thừa".

Trong chùa vẫn có những lối bài trí, những cách trang trí... rất đậm nét kiến trúc Việt Nam. Hoặc cách xây dựng hồ nước làm "minh đường", thêm lối phong thủy "tiền án hậu chẩm"... rõ ràng không thuộc về truyền thống kiến trúc của chùa chiền Nam tông nói chung và Thái Lan nói riêng.

Cho nên gọi bằng chùa Thái Lan có phần khiên cưỡng. Giống như bạn tên Lan mà người khác gọi nhầm bạn thành tên Liên. Bạn có chịu được không?

Viếng ngôi chùa nổi tiếng như đi du lịch Thái Lan trên đất Sài thành - Ảnh 3.

Lối vào chùa. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Tuy nhiên, một người gọi sai thì họ sai, nhưng nhiều người cùng gọi sai thì cái sai "sẽ thành đúng". Giống như người phương Tây khi gặp người da đỏ ở châu Mỹ, gọi nhầm họ thành người Indian, tức người Ấn Độ... Nhưng nay, mọi người đều quen với cách gọi Indian dành cho thổ dân châu Mỹ. Hoặc như ông bà ta thường gọi người Ấn Độ là "người Chà", nhưng chữ "Chà" đó lại chỉ đảo Java bên Indonesia. Thành thử, giờ có nói đến cỡ nào, ngôi chùa Bửu Long vẫn chết danh chùa Thái Lan.

Lần giở tư liệu, ngôi chùa này được xây dựng từ 1942 theo lối kiến trúc Phật giáo Nam tông, hiện nằm trên đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, TP.Thủ Đức. Lúc đầu không có gì nổi bật, sau đó chùa được trùng tu, sửa chữa qua nhiều năm. Trải qua nhiều biến cố, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo ban đầu của ngôi chùa cổ.

Viếng ngôi chùa nổi tiếng như đi du lịch Thái Lan trên đất Sài thành - Ảnh 4.

Một du khách đang chăm chú đọc “Lược sử chùa Bửu Long”.

Có người cho rằng, thời chiến tranh, quân đội Thái Lan đóng quân nhiều ở khu vực Thủ Đức, Biên Hòa. Người Thái nói chung và quân đội Thái nói riêng, rất sùng bái Phật giáo. Có điều họ chủ yếu theo Phật giáo Nam tông. Mà xung quanh khu đóng quân, đa số là chùa kiểu Việt theo hệ phái Bắc tông, chỉ có mỗi chùa Bửu Long theo hệ phái Nam tông. 

Còn muốn đến những chùa Nam tông Khmer, lại phải về tận trung tâm Sài Gòn như Chantarangsay, hoặc Kỳ Viên (quận 3). Nên chùa Bửu Long nhanh chóng trở thành địa điểm ưa thích để những quân nhân Thái Lan đến thực hành tôn giáo tín ngưỡng của họ.

Viếng ngôi chùa nổi tiếng như đi du lịch Thái Lan trên đất Sài thành - Ảnh 6.

Khuôn viên chùa có thiết kế độc đáo được bao phủ bởi rừng cây xanh mát. Ảnh: Lê Tấn Lộc

Có lẽ nào do quá khứ tiếp xúc với người Thái, nên đến khi được trùng tu vào năm 2007, mới quyết định lựa chọn kiến trúc phảng phất đường nét Thái Lan như hiện tại?

Nhưng quyết định trùng tu ngôi chùa theo trường phái Nam tông Phù Nam rõ ràng là một quyết định hoàn toàn chính xác. Bởi từ khi được trùng tu, ngôi chùa đã trở nên vô cùng nổi tiếng, trở thành một trong những điểm check-in của giới trẻ, điểm du lịch tâm linh, hành hương của các tín đồ của cả Bắc tông lẫn Nam tông.

Đến với chùa Bửu Long, du khách sẽ bị thu hút ngay bởi Tháp Gotama Cetiya đẹp rực rỡ giữa khung cảnh yên bình. Gotama Cetiya cao 56m với sức chứa lên đến 2.000 người, được mệnh danh là ngọn bảo tháp lớn nhất Việt Nam.

Trong hoàn cảnh hiện tại, đi du lịch trong nước thật sự đã rất khó, huống hồ là đi du lịch nước ngoài. Nhưng với những gì đang sẵn có, mọi người có thể làm luôn một chuyến "du lịch Thái Lan tại Sài Gòn" một cách dễ dàng.

Sáng làm tô bún Thái, tà tà lên chùa Bửu Long lễ Phật – vãn cảnh, chụp ảnh tham quan... Đến trưa thưởng thức món lẩu Thái hải sản chua cay, vốn rất phổ biến ở Sài Gòn. Xong đến Hội quán Sùng Chính (quận 8) viếng tượng Phật bốn mặt được thỉnh về từ Thái Lan. Chiều về ghé qua đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), ăn chè Thái. Tối về nhà, quất thêm tô mỳ gói Thái Lan. 

Vậy là trọn một ngày du lịch Thái Lan ngay tại Sài Gòn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem