Việt kiều Neang Hùng tiếp lửa cho U22 Việt Nam: "Thời tôi, ai liều mới dám ở lại Phnom Penh"
Việt kiều Neang Hùng tiếp lửa cho U22 Việt Nam: "Thời tôi, ai liều mới dám ở lại Phnom Penh"
Minh Đức (từ Phnom Penh)
Thứ sáu, ngày 28/04/2023 07:10 AM (GMT+7)
Trong những ngày tác nghiệp SEA Games 32 tại Campuchia, phóng viên Dân Việt đã có dịp tiếp xúc với "Việt kiều thầm lặng" Neang Hùng - người đã bỏ hết mọi việc cá nhân để tập trung hỗ trợ cho U22 Việt Nam lên ngôi tại Campuchia đầu năm ngoái.
SEA Games 32 đang ngày càng tới gần và U22 Việt Nam dưới thời HLV người Pháp Philippe Troussier được đặt niềm tin sẽ bảo vệ thành công tấm HCV. Nếu làm được điều này, U22 Việt Nam sẽ lập được cú "hat-trick" hiếm có trên đấu trường khu vực khi 3 lần liên tiếp đăng quang tại SEA Games.
Những ngày này, từng bước đi của thầy trò HLV Troussier đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo giới truyền thông nước nhà đang tác nghiệp tại Campuchia. Trong những buổi tập của U22 Việt Nam tại xứ sở chùa tháp, Dân Việt còn quan sát thấy một CĐV đặc biệt luôn có mặt cổ vũ cho những tên tuổi như Nguyễn Quốc Việt, Phan Tuấn Tài, Vũ Tiến Long, Lương Duy Cương...
Trao đổi với Dân Việt, anh Neang Hùng (tiếng Việt có thể đọc là Nguyễn Tấn Hùng) chia sẻ: "Thời gian qua, các cầu thủ U22 Việt Nam có tên trong đội hình từng chiến thắng Covid-19 để giành Cúp vô địch U23 Đông Nam Á đầu năm 2022 vẫn thường liên lạc qua lại với tôi.
Tôi chỉ nhắc và động viên các em thế này: "Năm ngoái, cũng ở Campuchia, U22 Việt Nam phải thi đấu trong hoàn cảnh khó khăn như vậy khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, có thời điểm tưởng như không đủ quân số đăng ký ra sân, mà chúng ta còn vô địch. Vậy thì tại SEA Games 32, U22 Việt Nam chẳng có gì phải e ngại cả, dù đối thủ là Thái Lan hay Malaysia...
Đằng sau các em luôn có hàng nghìn kiều bào đang sinh sống làm việc tại Campuchia sẽ tới sân "tiếp lửa" cùng với rất nhiều nhóm CĐV Việt Nam di chuyển từ quê nhà sang cổ vũ".
Theo dòng chia sẻ, anh Neang Hung bộc bạch, thời điểm trước thềm giải U23 Đông Nam Á 2022, anh có quen biết anh Biên (ông Lưu Quang Điện Biên - Trưởng phòng Bóng đá phong trào, đào tạo & các tổ chức thành viên VFF, Trưởng đoàn U23 Việt Nam dự giải U23 Đông Nam Á 2022 - PV) và HLV Đinh Thế Nam.
Thời điểm đó, U22 Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn vì nhiều cầu thủ nhiễm Covid-19: "Có những hôm 17 giờ thi đấu, thì 15 giờ chiều hôm đó tôi vẫn còn phải đi làm lại quần áo cho các cầu thủ.
Do các cầu thủ "viện binh" mới sang không có quần áo đồng phục thi đấu nên chúng tôi phải đi bỏ hết tên, số cũ và in lại tên, số mới. Người làm họ cũng ngại, nhiều khi phải năn nỉ họ làm giúp để U22 Việt Nam có thể vào trận với tinh thần tốt nhất", anh Neang Hùng nhớ lại.
Vừa kể, anh Neang Hùng vừa nhìn sang người bạn thân của mình là anh Lê Mạnh Hùng - ngươi đã sang Campuchia làm ăn được hơn chục năm và là chủ quán Phở Hoa Sen nằm ở số 2, đường 276, Phnom Penh và nói: "Để huy động được đông đảo CĐV tới sân "tiếp lửa" cho U23 Việt Nam có công rất lớn của anh Mạnh Hùng. Gần như có bao nhiêu người sinh sống ở Phnom Penh thì đều cùng nhau tới sân hết.
Trước và sau khi U22 Việt Nam thi đấu xong cũng đều được đưa về nhà anh Hùng ăn uống các món ăn đậm khẩu vị quê hương, miền nam, miền bắc đều hợp. Chúng tôi nghĩ làm cách nào đó để các em phải ăn đủ, ăn ngon thì mới có sức chiến thắng Covid-19, vào sân thi đấu.
Với những cầu thủ bị Covid-19, chúng tôi cũng gọi điện vào xem có ăn gì không, có thể là bánh, trái cây, hủ tiếu hay làm nồi lẩu cho các em ăn còn đủ sức chờ ngày trở lại".
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Neang Hùng là trước thềm trận chung kết U23 Đông Nam Á 2022 với Thái Lan (Việt Nam thắng chung cuộc 1-0 và lên ngôi vô địch - PV): "Khi đó, ban huấn luyện U22 Việt Nam rất lo vì chúng ta chỉ còn 7-8 cầu thủ và không biết số cầu thủ đã nhiễm Covid-19 trước đó có kịp trở lại không.
Rất may là tin vui đã đến khi một nhóm 4-5 cầu thủ trong đó có Dụng Quang Nho đã âm tính. Ngay trong buổi tối hôm trước tôi đã đón các em trở về khách sạn cách ly để sáng hôm sau, trước giờ thi đấu kiểm tra lại Covid-19, đủ điều kiện vào sân thi đấu chung kết buổi tối cùng ngày.
Nghĩ lúc đó thấy tội mấy đứa nhỏ lắm, ăn uống không được đầy đủ mà vào sân vẫn thi đấu với hơn 100% sức lực. Khi đội giành Cúp vô địch, anh em CĐV chúng tôi sung sướng, vui mừng, tự hào vô cùng. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam đoạt Cúp vô địch U23 Đông Nam Á trên đất Campuchia".
"Ra đường đi làm nghe tiếng súng đùng đoàng"
Trong câu chuyện của mình, anh Neang Hùng không quên nhắc tới vợ mình - một người cũng luôn sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cho U22 Việt Nam lên ngôi vô địch cách đây hơn 1 năm.
"Vợ tôi chẳng những không than phiền gì về việc tôi bỏ công bỏ việc, dồn hết thời gian cho U22 Việt Nam những ngày đầu năm ngoái; mà còn hăng hái hơn cả tôi. Từ sáng sớm đã đi mua lá xông, gói thành từng gói mang vào cho cầu thủ bị nhiễm Covid-19 xông cho nhẹ người. Cô ấy thương cầu thủ lắm! Nhà tôi có con nhỏ (2 con gái sinh đôi của vợ chồng anh Neang Hùng năm nay đã 12 tuổi, sau đó là cậu con trai út) nhưng vợ chồng tôi đều đã tiêm 3 mũi phòng Covid-19 rồi, không ngại. Chỉ e mình lây nhiễm Covid-19 cho cầu thủ chứ chẳng sợ nhiễm Covid-19 từ cầu thủ.
Tinh thần dân tộc, kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đâu cũng vậy, lúc nào cũng hướng về đất nước mình, ầm thầm đứng sau, làm được gì là làm hết sức vì thành công của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế".
Không chỉ hỗ trợ cầu thủ, anh Neang Hùng và người bạn Lê Mạnh Hùng còn hết mình với giới phóng viên Việt Nam sang Campuchia tác nghiệp sự kiện SEA Games 32. Từ việc thuê giúp phòng trọ, khách sạn, chỉ dẫn đường đi nước bước tới các sân tập của đội U22 Việt Nam, Khu LHTTQG Morodok Techo, các địa điểm thi đấu...
Các nhóm CĐV Việt Nam cần vé sang Campuchia xem bóng đá chỉ cần nhờ "song Hùng" một tiếng là anh sẵn sàng bỏ công bỏ việc tìm hiểu xem ngày, giờ nào ban tổ chức phát vé xem miễn phí các môn thể thao SEA Games 32 để lấy giúp.
"Thực lòng, bây giờ gặp được bà con người Việt mình không khó khăn, rất đông người Việt đã sang đây sinh sống, làm việc.
Nhưng thời tôi sang Phnom Penh lập nghiệp cách đây khoảng 25 năm thì khó khăn vô cùng. Tôi vốn người gốc Quế Sơn (Quảng Nam) đã sang đây được hơn 20 năm, khi mới 18-19 tuổi. Thời điểm năm 1998, tôi làm điêu khắc trong một Công ty TP.HCM với mức lương khoảng 30 nghìn đồng/ngày, lúc đó đã là khá cao rồi.
Nhưng Công ty điều chuyển tôi sang Campuchia làm việc cùng 5-7 anh em, lương được nhận là hơn 100 nghìn đồng/ngày, cao gấp hơn 3 lần nên tôi đã quyết định đi, cũng chỉ vì mục đích kinh tế.
Di chuyển đường xá lúc đó rất khó khăn, có đoạn đường khó, phải gác cây ngang đường, để xe qua. Đi từ 3 giờ sáng hôm nay xuất phát ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) thì tới 22 giờ đêm mới tới được Phnom Penh, nghĩa là mất gần 20 giờ đồng hồ. Bây giờ mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều, di chuyển chỉ mất gần 3 tiếng là tới rồi".
Khó khăn đường xá chỉ là chuyện nhỏ, anh Neang Hùng cho hay những ngày cách đây 25 năm, tầm 16 giờ -17 giờ chiều, nhìn hé từ ô cửa nhỏ ở Công ty ra đường không thấy một bóng người:
"Thời đó, những người liều mới dám ở lại Campuchia làm việc. Mình đi xe ôm đi làm, nghe tiếng súng ống ngoài đường cứ bắn đùng đoàng rợn người.
Gặp được người Việt mình ngày ấy mừng lắm. Tối về tắm rửa, thay đồ sau là qua quán cafe bắt chuyện cho đỡ buồn, vơi nỗi nhớ quê hương", anh Neang Hung nhớ lại một thời gian khó mà anh cũng như một số kiều bào sang Campuchia mưu sinh.
Thời gian qua đi, nghề điêu khắc sở trường của anh Neang Hùng có sự liên kết với xây dựng, công việc thuận lợi và giờ kinh tế của anh và gia đình đã ổn định: "Điều kiện làm ăn tốt, tôi mới trở về quê lấy vợ và sau đó đưa cả gia đình sang Phnom Penh.
Như các bạn biết đấy, giờ Phnom Penh là một Thủ đô yên bình, cuộc sống rất dễ chịu. CĐV chúng tôi và các nhóm CĐV từ Việt Nam sang đã hẹn nhau cùng vào sân cổ vũ hết mình cho các trận đấu của U22 Việt Nam, ĐT nữ Việt Nam và một số môn thể thao khác.
Trống, kèn, băng rôn, khẩu hiệu... đều đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng. Tôi tin Campuchia sẽ tổ chức thành công SEA Games 32 và để lại ấn tượng tốt đẹp trong suy nghĩ của bạn bè quốc tế", "Việt kiều thầm lặng" Neang Hùng thể hiện niềm tin về một kỳ Đại hội "Thể thao: Sống trong hòa bình" - "Sport: Live in Peace" - khẩu hiệu của SEA Games 32.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.