Việt Nam bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc
Ngày 28.5, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố về vụ việc này: "Trung Quốc phản đối việc Việt Nam thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc quyền pháp lý của Trung Quốc. Lập trường của Trung Quốc về biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, vì tổn hại đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Trung Quốc tại biển Đông, và vi phạm thỏa thuận chung mà hai nước đã đạt được về vấn đề này...”.
|
Cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám cắt đứt. |
Trước tuyên bố này, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định: Việt Nam bác bỏ tuyên bố này của Trung Quốc, đồng thời khẳng định, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, đây hoàn toàn không phải khu vực tranh chấp và không phải do Trung Quốc quản lý.
Bà Nga nêu rõ: Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu lầm tàu Việt Nam đã vi phạm khu vực tranh chấp. “Chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông” - bà Nga nói.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo về an ninh trên biển đông, đồng thời bảo về các tàu thuyền hoạt động trong phần lãnh thổ thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Về câu hỏi hành động này của Trung Quốc có phải là thái độ "ỷ lớn hiếp bé" hay không, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng: "Việt Nam mong rằng Trung Quốc là một nước lớn, sẽ thể hiện đúng vai trò của một nước lớn và thể hiện đúng tinh thần của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc là không dùng thế mạnh của một nước lớn để uy hiếp các nước bé".
Bà Nga cho hay, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động tấn công này, đồng thời bồi thường cho phía Việt Nam.
PVN tính toán thiệt hại để đòi bồi thường
Cũng tại cuộc họp báo chiều 29.5, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu khẳng định: Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong vùng biển của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN, là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.
PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN; đồng thời đề nghị Chính phủ VN hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác.
Lãnh đạo PVN khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.
Ông Hậu cho biết, hiện PVN đang đánh giá mức độ thiệt hại và sẽ công bố chi tiết để yêu cầu phía Trung Quốc phải bồi thường. Ông Hậu cũng nhận định, vụ việc này không làm ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, cũng như chủ trương và tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đều nằm trong vùng Việt Nam có chủ quyền.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Chiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại họp báo cũng cho biết, việc Trung Quốc đang muốn biến biển Đông thành "ao nhà" bằng yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Đăng Thúy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.