Theo ông Hà Kim Ngọc, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chính sách đảm bảo quyền con người, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận từ lần rà soát trước. Việt Nam nhìn nhận UPR là cơ chế hiệu quả và thành công của Hội đồng Nhân quyền trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn thế giới trên nguyên tắc phổ cập, công bằng, đồng thuận, hợp tác và đối thoại.
Chính vì vậy, ngay từ chu kỳ đầu tiên của Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát cũng như trong suốt quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR và chuẩn bị cho chu kỳ II, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, đối thoại và cởi mở nhằm đảm bảo việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà là một tiến trình mở với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó đặc biệt khuyến khích sự tham gia của mỗi người dân với vai trò là đối tượng thụ hưởng.
Ở Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số là một đối tượng được quan tâm chăm lo cuộc sống (ảnh: Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tặng quà cho đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Ông Hà Kim Ngọc cho biết, Việt Nam đã rà soát theo cơ chế UPR chu kỳ I vào tháng 5.2009 và nhận được 123 khuyến nghị từ 60 quốc gia, trong đó 5 khuyến nghị đang được thực hiện trên thực tế và 96 khuyến nghị được Việt Nam chấp nhận. Bên cạnh đó, một số khuyến nghị mặc dù không được chấp nhận do không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam nhưng vẫn được Chính phủ Việt Nam xem xét khả năng thực hiện một cách nghiêm túc.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người.
|
Đến thời điểm này, tất cả các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận tại phiên rà soát UPR chu kỳ I đã và đang được thực hiện nghiêm túc và tích cực, thể hiện sinh động trên tất cả các mặt đời sống xã hội, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, đảm bảo quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương…
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, cần có 5 bước chủ đạo trong thời gian tới, gồm: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bồ sung văn bản luật liên quan đến quyền con người, điều chỉnh cơ chế chính sách tương thích với hiến pháp mới, đồng thời thực hiện cam kết đã nêu ra với cộng đồng quốc tế; Tiếp tục huy động nguồn lực cho những chương trình quốc gia chiến lược liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, nhất là với những đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế, nhất là người già, người tàn tật, phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu và đặc biệt mở rộng dân chủ cơ sở, tăng cường dân chủ, dân quyền...
Thúy Đăng (ghi) ( Thúy Đăng (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.