Việt Nam - câu chuyện về chuyển đổi và hy vọng

Mỹ Hằng Thứ ba, ngày 02/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Gần nửa thế kỷ từ khi đất nước thống nhất, 4 thập kỷ trải qua đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh, bị bao vây cấm vận về kinh tế, đã vươn lên để tạo vị thế của mình, ghi những dấu ấn quan trọng trên trường quốc tế.
Bình luận 0

Tăng bậc trong bảng xếp hạng

Với quy mô kinh tế ngày càng tăng, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi, Việt Nam giữ vững vị thế trong top 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 – đó là xếp hạng của Hãng US News & World Report công bố tháng 1/2023. Theo bảng xếp hạng, Việt Nam có GDP đạt trên 363 tỷ USD, dân số vượt 98,2 triệu dân, GDP đầu người theo sức mua tương đương đạt trên 11.553 USD, Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 trên thế giới.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (vị trí 26, GDP 397 tỷ USD, với 5,45 triệu người), vượt Indonesia (vị trí 32, GDP 1.119 tỷ USD, dân số trên 276 triệu người), Thái Lan (đứng thứ bậc 36, có GDP 506 tỷ USD, với 70 triệu người). So với năm trước đó, vị trí của Việt Nam đã có sự thay đổi. Trong bảng xếp hạng trước, Việt Nam đứng thứ 25 thế giới, thứ 10 châu Á và thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore, cao hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia.

gop/ Việt Nam - câu chuyện về chuyển đổi và hy vọng - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam tháng 4/2023. Ảnh: V.G.P

Chuyến thăm và cuộc điện đàm của Tổng Bí thư

Nói đến vị thế của Việt Nam, không thể không nhắc tới quan hệ Việt – Mỹ. Kết thúc chiến tranh với những vết thương sâu sắc với cả hai bên, trải qua quá trình bình thường hóa quan hệ đầy gập ghềnh nhưng can đảm, giờ đây hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng của nhau, nhất là quan hệ đối tác toàn diện đã mở ra những cơ hội hợp tác vô cùng to lớn.

Hai nước thường xuyên có rất nhiều trao đổi cấp cao, tạo sự hiểu biết, làm sâu sắc thêm các nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ là "tôn trọng độc lập, chủ quyền, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, đặc biệt là tôn trọng thể chế chính trị của nhau".

Trên tất cả các lĩnh vực kinh tế thương mại, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, giải quyết hậu quả chiến tranh, du lịch, giao lưu nhân dân, quan hệ Việt – Mỹ có những thành tựu đáng kinh ngạc. Chỉ riêng về thương mại, khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, thương mại hai bên chưa đầy nửa tỷ USD, đến 2023 là 123 tỷ USD, tăng hàng trăm lần… Năm 2022 lần đầu tiên Việt Nam có Mỹ là thị trường xuất khẩu vượt ngưỡng 100 tỷ USD, là thị trường lớn nhất và duy nhất đến nay đạt được ngưỡng đó.

Lòng tin của hai nước từng bước được tạo dựng và củng cố mạnh mẽ. Năm 2015, lần đầu tiên một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ và gặp người đứng đầu thể chế chính trị Mỹ, ra tuyên bố tầm nhìn, vừa định hướng, vừa chỉ đạo quan hệ, tăng cường hiểu biết hai bên. Mới đây nhất lại là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư với Tổng thống Mỹ, với nội dung xem xét mở rộng nội hàm quan hệ. Đó chẳng phải là một hình ảnh rất khác với một vị thế rất khác của Việt Nam với quốc tế?

Bảng xếp hạng của US News & World Report đánh giá khách quan mức độ ảnh hưởng của các quốc gia, cũng như sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của các nước này trên khắp thế giới.

Bảng xếp hạng này là một phần nghiên cứu "Những quốc gia tốt nhất thế giới" hàng năm, khảo sát và đánh giá 85 quốc gia dựa trên phản hồi từ 17.000 người tham gia. Đánh giá nói trên dường như khó tin với nhiều người, nhưng đây lại là sự nhận định khách quan từ phía bên ngoài với Việt Nam. Bảng xếp hạng đã khẳng định vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam ngày càng rõ nét trên thế giới.

Việt Nam đã trải qua 4 thập kỷ đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách thể chế, hội nhập kinh tế quốc tế cho đến đến hội nhập toàn diện. Những nỗ lực to lớn của lãnh đạo đất nước và người dân đã đưa GDP của Việt Nam 10 năm qua tăng gấp đôi, từ 200 tỷ lên hơn 400 tỷ USD; thương mại hai chiều của Việt Nam với thế giới xấp xỉ 730 tỷ USD, độ mở kinh tế tăng 200%.

Mới nhất, theo công bố giữa tháng 4 vừa qua, năm 2022, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam được Công ty tư vấn, định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance định giá là 431 tỷ USD, tăng 1 bậc và vươn lên vị trí thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, tăng trưởng giá trị hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, tức là vươn lên so với các nước và so với chính mình.

Từ mong ước đến hiện thực

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc 5 châu hay không…" - niềm mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm nào giờ đã trở thành hiện thực, khi Việt Nam thực sự được sánh vai với các nước trên thế giới, bằng những con số thống kê được xác thực về kinh tế, bằng vai trò ngày càng gia tăng trong cộng đồng quốc tế.

Trên trường quốc tế, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là Liên Hợp Quốc (LHQ), ASEAN, APEC, tiểu vùng Mekong.

gop/ Việt Nam - câu chuyện về chuyển đổi và hy vọng - Ảnh 3.

Những người lính công binh Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei (châu Phi) giúp một hộ dân dựng nhà ở, tháng 3/2023. Ảnh: Đ.C.B

Việt Nam tiếp tục giữ vững chính sách độc lập tự chủ, không rơi vào bẫy cạnh tranh nước lớn, vẫn có những ứng xử phù hợp khiến "các nước lớn nể trọng hơn, các nước bạn bè yêu quý hơn" - Đại sứ Đặng Đình Quý - nguyên Đại sứ Việt Nam tại LHQ nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN.

Việt Nam ngày càng được tin tưởng lựa chọn để đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Tiếp nối vai trò 2 lần là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026… Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, đóng góp chủ động, tích cực vào môi trường hòa bình, ổn định của thế giới, thể hiện rõ vai trò một đối tác tin cậy, trách nhiệm.

Việt Nam có khuôn khổ quan hệ hợp tác ổn định với tất cả các quốc gia. Với các nước trong khu vực, các nước láng giềng, các nước lớn, Việt Nam đều có khuôn khổ cho quan hệ lâu dài, đan xen cùng có lợi với khoản 30 quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Các chuyến thăm thường xuyên ở những cấp cao nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của đất nước. Trong xu hướng phát triển xanh và bền vững của thế giới, Việt Nam đang đi tiên phong trong việc thiết lập khuôn khổ hợp tác mới. "Việt Nam là một câu chuyện về sự chuyển đổi và hy vọng do dân tộc Việt Nam viết lên" – Tổng Thư ký LHQ phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2022. "Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng".

Vài năm qua, nhất là trong năm 2022 thế giới đã chứng kiến những biến động khôn lường, khốc liệt, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, sinh mạng, gây tổn thất kinh tế... Trong bối cảnh đó Việt Nam vẫn ổn định và tăng trưởng, vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài - trong đó có những tập đoàn hàng đầu thế giới và được đánh giá cao về tiềm năng dài hạn. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem