Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm mọi cách để có hòa bình

Thứ ba, ngày 03/10/2017 11:30 AM (GMT+7)
Đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đê điều ở miền Bắc ở trong tình trạng tồi tệ vì một thời không được gia cố và do các cuộc ném bom của Đồng minh, đa số dân cư vẫn chịu nạn đói. Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc phải thương thảo (để tránh đụng độ ngay) với Pháp.
Bình luận 0

Tập hợp các tài liệu nước ngoài của những nhà nghiên cứu Mỹ và Pháp, dịch giả Lê Đỗ Huy đã cho chúng ta nhìn nhận đa chiều hơn về Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và nước Pháp, với người đại diện là Cao ủy Pháp tại Đông Dương, ông Sainteny. Nước Việt Nam non trẻ muốn có thêm thời gian củng cố lực lượng và tránh phải đối đầu với 2 kẻ thù cùng lúc. Trong khi đó, nước Pháp có quá nhiều tham vọng chiếm lại Đông Dương. Cơ hội hòa bình đã bị bỏ lỡ. 9 năm sau đó, với thất bại toàn diện ở Điện Biên Phủ, người Pháp mới nhận ra sai lầm của mình.

Theo các nhà Việt Nam học phương Tây, Hiệp định sơ bộ 6.3 chính là một khung pháp lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cược uy tín của mình để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh giữa hai dân tộc Pháp – Việt. Do các thế lực đế quốc không nhìn nhận thiện chí của Việt Nam trong các văn bản pháp lý đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa đến trận bão nhấn chìm hệ thống thuộc địa kiểu cũ.

img

Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Sainteny, Pignon, Caput.

Trong sách Việt Nam: Lịch sử và chiến tranh (Vietnam – Warfare and History), NXB University Press of Kentucky phát hành năm 1999, Giáo sư Spencer Tucker viết về Hiệp định sơ bộ 6-3 như sau:

Đầu 1946, với khoảng 40 ngàn quân, Pháp mới chỉ kiểm soát được một ít đất đai ngoại ô các thành phố, và các đường quốc lộ (ở Nam Bộ). Tới tháng 3.1946, Leclerc cũng chỉ mới có 50 ngàn quân. Khác với hầu hết những người Pháp, Leclerc nhận thức được khó khăn của cuộc chiến tranh trong rừng rậm, và nghiêng sang hướng đàm phán để có được một giải pháp chính trị, chứ không chủ trương giải quyết vấn đề bằng quân sự. Điều này có nghĩa là (Pháp) phải từ bỏ toan tính tách rời xứ Nam Kỳ.

Tin chắc rằng Việt Minh là một trào lưu dân tộc chủ nghĩa mà Pháp không thể khuất phục bằng quân sự, Leclerc ép đại diện của Pháp ở miền Bắc, Jean Sainteny, ký bằng được một thỏa ước với Hồ Chí Minh, người đứng đầu chính phủ đang kiểm soát Hà Nội và Hải Phòng. Trong một báo cáo mật gửi về Paris hôm 27.3, Leclerc nói sẽ không một giải pháp nào bằng bạo lực là khả thi ở Đông Dương.

6.1.1946, chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tuyển cử, chủ yếu trên các vùng phía bắc của đất nước. Dù các cuộc bầu cử diễn ra không hề dễ dàng, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thắng cử là điều không thể nghi ngờ.

Đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đê điều ở miền Bắc ở trong tình trạng tồi tệ vì một thời không được gia cố và do các cuộc ném bom của Đồng minh, đa số dân cư vẫn chịu nạn đói. Hồ Chí Minh buộc phải thương thảo (để tránh đụng độ ngay) với Pháp…

Trong một điểm then chốt của Tạm ước 6.3, Pháp chấp thuận về một cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam để quyết định xem Nam Bộ có tham dự vào thành phần một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất, nhưng ngày tháng tiến hành cuộc tuyển cử này chưa được nêu trong nội dung Tạm ước. Pháp đồng ý huấn luyện và trang bị cho quân đội trẻ tuổi của Việt Nam.

Vào tháng Tư, Võ Nguyên Giáp và tướng Pháp Raoul Salan, đại điện cho cơ quan tham mưu hai bên ký Hiệp định quy định nơi đóng quân và số quân của lực lượng mỗi bên đóng tại đó. Sau khi Hiệp định được ký, Hồ Chủ tịch đã nói với Sainteny: “Tôi không thấy hạnh phúc về nó (Tạm ước), về cơ bản là các ông được lợi. Ông biết rằng tôi muốn nhiều hơn thế. Nhưng tôi hiểu rằng người ta không thể đạt được mọi thứ trong một ngày”…

Hòa hoãn có nguyên tắc

Hai mươi năm sau, trên nền một cuộc chiến bế tắc và đứng trước một triển vọng đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về lối thoát khỏi “đường hầm”, các chiến lược gia Mỹ đã nhìn lại Hiệp định 6.3 trong một tài liệu đánh giá quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1945 – 1977.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại diện quốc tế tham dự lễ ký Hiệp định sơ bộ chụp ảnh lưu niệm trước nhà 38 Lý Thái Tổ sau lễ ký.

Sử dụng các tư liệu là các điện mật của phái bộ Mỹ gửi từ Hà Nội năm 1946, tài liệu này viết:

28.2.1946, Pháp đạt được một Hiệp ước với Trung Quốc. Hiệp ước được kí với chính phủ Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh, chứ không phải với những lãnh chúa Trung Quốc đang đóng ở miền Bắc Việt Nam (ám chỉ Lư Hán - Tổng Tư lệnh quân đội Tưởng ở Bắc Việt Nam). Hiệp ước đồng ý để Quốc dân đảng giao quyền chiếm đóng (miền Bắc Việt Nam) cho Pháp vào tháng 4.

Chính quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt phải đương đầu với sức mạnh quân sự của nước Pháp, trong lúc quân Trung Hoa đang rút ra, mặt khác vẫn chưa giành được sự cứu trợ của Liên Hiệp quốc hay Mỹ. Trong bối cảnh đó, Hồ Chủ tịch đã không còn kế sách nào khác ngoài thương lượng với Pháp.

Một Tạm ước được ký vào 6.3.1946, giáng một đòn mạnh lên thanh danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam Quốc dân đảng chống lại thỏa ước này, thậm chí chống lại đàm phán với Pháp, nhưng Hồ Chí Minh đã đủ thận trọng mang những người đại diện của phe chống đối tới các cuộc đàm phán với Sainteny, người phát ngôn của Pháp.

Kết quả là Hiệp định 6.3 không chỉ được ký bởi Hồ Chí Minh và Sainteny, mà còn bởi cả Vũ Hồng Khanh, lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng. Tuy nhiên, những ác cảm với Pháp vẫn dấy lên mạnh mẽ, khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh phải dùng hết uy tín của mình ngăn chặn những chống đối nhằm vào (chính quyền) Việt Minh…

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem