Mọi thứ còn mơ hồLiên quan tới ASIAD, cơ quan trực tiếp thực hiện là Tổng cục TDTT có trách nhiệm xây dựng Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại Việt Nam (Đề án ASIAD 18) và Đề án đào tạo vận động viên (VĐV) tham dự ASIAD 18. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang trong quá trình bàn thảo cuối cùng trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
“Kình ngư” Ánh Viên là một trong những niềm hy vọng giành HCV ASIAD cho TTVN.
Điều đáng lo ngại như HLV Lê Công (karatedo) trăn trở: “5 năm nữa, Nguyệt Ánh (HCV ASIAD 2006), Bích Phương (HCV ASIAD 2010) gần như chắc chắn sẽ không thi đấu nữa. Nói cách khác, Thể thao Việt Nam phải có chương trình, đề án khoa học, bài bản về mọi mặt cách đây 1,5 năm, khi nhận quyền đăng cai ASIAD 2019: Tuyển chọn VĐV ra sao, đầu tư cho họ thế nào về dinh dưỡng, tập huấn, thi đấu… Ngay cả đội ngũ HLV, chuyên gia cũng phải là những người có trình độ chuyên môn tốt, có tâm huyết gắn bó lâu dài, theo suốt chiến lược đó”.
Còn ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT chia sẻ: “Tại ASIAD 2010, điền kinh đã có những tấm HCB của Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, HCĐ 10 môn phối hợp của Vũ Văn Huyện. Nhưng lúc này lực lượng VĐV kế cận còn rất mỏng. Muốn dự báo một điều gì đó phải dựa trên cơ sở những gì mình có trong tay và lúc này không quá khi nói điền kinh Việt Nam gần như chưa có gì để có thể dự báo chắc chắn cả. Phải căn cứ vào thành tích tại ASIAD 2014, Olympic 2016, SEA Games 2017 rồi mới có thể nhìn một cách toàn diện, chính xác được”.
Bao giờ hết “ăn xổi”?Minh chứng cho sự “ăn xổi” của TTVN là hướng tới ASIAD 17 vào tháng 9.2014, thể thao Việt Nam mới tập trung các đội tuyển quốc gia từ đầu năm nay. Trong số đó có danh sách 64 VĐV xuất sắc hưởng chế độ dinh dưỡng và tiền công đặc biệt đã phê duyệt. Tất nhiên, 64 tuyển thủ trên không phải là thành phần không thể thay đổi của đoàn thể thao Việt Nam tới Incheon (Hàn Quốc). Nhưng họ đương nhiên là nhóm “hạt giống” đảm nhiệm trọng trách chính trong việc hoàn thành chỉ tiêu từ 2-3 HCV tại ASIAD 17.
Rõ ràng, kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 17 của thể thao Việt Nam không được thực hiện triệt để ngay từ khi ASIAD 16 kết thúc cách đây 4 năm tại Quảng Châu (Trung Quốc) như nhiều nước khác.
|
Điều đáng lưu ý là 64 nhân tố xuất sắc trên chỉ hình thành từ ngày 5.3 sau khi quyết định “về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao xuất sắc” được Chính phủ ban hành. Và rõ ràng, kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 17 của thể thao Việt Nam không được thực hiện triệt để ngay từ khi ASIAD 16 kết thúc cách đây 4 năm tại Quảng Châu (Trung Quốc) như nhiều nước khác.
Tại phiên giải trình hôm 18.3, con số mà Bộ VHTTDL thông báo đã gửi Bộ Tài chính về dự trù ngân sách nhà nước để đăng cai ASIAD 18 là 5.475 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí đào tạo VĐV tham dự ASIAD 18, dự kiến khoảng 820,8 tỷ đồng, do ngân sách nhà nước đảm bảo). Như vậy, ngành thể thao có kinh phí dự trù 800 tỷ đồng để chuẩn bị lực lượng VĐV, HLV trong 5 năm tới?
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã phân tích: “Việc giành HCV tại ASIAD là không đơn giản. Thể thao Việt Nam đang nỗ lực lựa chọn VĐV cho ASIAD 17 và ASIAD 18. Những môn chúng ta có khả năng giành huy chương thì quốc gia khác cũng rất mạnh. Mục tiêu đạt từ 10-15 HCV ở ASIAD 18 khó thực hiện được”.
Hoài Việt - Chính Minh (Hoài Việt - Chính Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.