Việt Nam là "cường quốc" nuôi những con sâu nhả ra tơ quý, thu về hơn 1.700 tỷ đồng
Việt Nam là "cường quốc" nuôi những con sâu nhả ra tơ quý, thu về hơn 1.700 tỷ đồng
TS. Nguyễn Đức Trọng
Thứ sáu, ngày 10/11/2023 18:00 PM (GMT+7)
Việt Nam được xem là cường quốc về sản xuất tơ tằm, với sản lượng 600-800 tấn tơ tằm/năm, nhưng cũng là cường quốc nhập khẩu các sản phẩm tơ tằm khi mỗi năm chi tới hàng trăm triệu USD nhập khẩu tơ, lụa.
Ngành tơ tằm trải rộng trên 60 quốc gia trên thế giới, trong đó các nước sản xuất chính nằm ở châu Á (chiếm trên 90% sản lượng tằm dâu thế giới). Thị trường tiêu thụ tơ và lụa lớn nhất trên thế giới là các nước Italia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc… Giá trị tơ lụa xuất khẩu trên thế giới hàng năm đạt trên 2 tỷ USD.
"Cường quốc" về sản xuất và nhập khẩu tơ tằm
Việt Nam được xem là cường quốc về sản xuất tơ tằm, với sản lượng dao động 600-800 tấn tơ tằm/năm (top 5 thế giới), nhưng cũng là cường quốc về nhập khẩu các sản phẩm tơ tằm, đứng thứ 4 thế giới về nhập khẩu tơ, lụa (mỗi năm nhập khẩu 100-150 triệu USD với hàng nghìn tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil…). Trên 98% sản lượng kén tằm sản xuất ra được tiêu thụ trong nước, chỉ có một lượng nhỏ kén trắng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại thị trường, hiện giá kén tằm đang ở mức cao, đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho bà con. Nếu như năm 2021, giá kén bình quân đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg; năm 2022 từ 90.000 - 140.000 đồng/kg thì 6 tháng đầu năm 2023, giá kén tằm đạt bình quân từ 140.000 - 180.000 đồng/kg, có thời điểm giá kén lên đến 210.000 đồng/kg đối với kén loại A.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Việt Nam có từ lâu đời, đã trở thành nghề truyền thống tại Việt Nam. Có thời điểm cả nước có tới 38.000ha dâu, lượng kén 26.000 tấn/năm (1995), song đến nay chỉ có một số địa phương có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai mới tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sản lượng tơ tằm của Việt Nam vẫn đứng trong top 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan.
Nhu cầu các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng. Các nước có truyền thống sản xuất dâu tằm tơ như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay sản xuất rất ít, ngay cả Trung Quốc - nước đứng đầu thế giới về sản xuất dâu tằm tơ cũng đang giảm sản lượng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tăng đều về sản lượng tơ tằm trong những năm gần đây.
Từ những nhận định trên, dự báo vài thập kỷ tới, ngành sản xuất dâu tằm tơ Việt Nam vừa có thị trường thế giới, vừa có thị trường trong nước - là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng ngành dâu tằm tơ thành ngành kinh tế quan trọng.
Hiện cả nước có khoảng 12,3 nghìn ha trồng dâu, sản lượng kén trên 16,8 nghìn tấn, trong đó trên 80% diện tích trồng dâu ở Tây Nguyên (Lâm Đồng chiếm nhiều nhất). Nghề nuôi tằm ngoài việc lấy tơ, bà con còn thu hoạch nhộng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là nhộng từ tằm đa hệ kén vàng.
Cả nước có 40 nhà máy ươm tơ, diệt lụa, bình quân hằng năm sản xuất và xuất khẩu khoảng 2.000 tấn tơ các loại, thu về 70 triệu USD/năm. Theo ông Lê Quang Tú - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseria), “con số 70 triệu USD/năm là con số nhỏ so với thực tế, nó mới nói lên lượng xuất khẩu tơ sợi. Còn cái quan trọng hơn nhưng khó thống kê, có thể cao gấp 3 lần xuất khẩu chính là các sản phẩm như hàng may mặc cao cấp…”.
Việt Nam đã chọn tạo được 3 giống dâu tam bội cho năng suất cao, đạt 35-40 tấn lá/ha, chủ yếu là các giống tam bội trồng bằng hom S7CB phổ biến tại Tây Nguyên; giống tam bội trồng bằng hạt VH15, GQ2 phổ biến tại miền Bắc và miền Trung. Thông qua các chương trình, dự án đã xây dựng được các quy trình với hệ số nhân giống đạt 100kg/ha, giảm chi phí so với trồng bằng hom; xây dựng được quy trình phòng trừ bệnh hại tổng hợp trên cây dâu.
Trong đó, tại tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng rộng rãi các quy trình thâm canh giống dâu mới, thâm canh cây dâu trên đất đồi dốc, quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp, quy trình tưới nước cho cây dâu, quy trình canh tác dâu đồi bền vững,...
Tằm thuộc Danh mục động vật khác trong chăn nuôi, chi tiết được quy định tại mục 5 Phụ lục 8 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Việt Nam có 3 giống tằm chính: Giống tằm thầu dầu lá sắn với số lượng ít, còn lại chủ yếu là tằm dâu với 2 giống chủ lực là tằm lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao (phân bố nhiều ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên); giống tằm đa hệ kén vàng cho năng suất tơ thấp hơn, nhưng khỏe hơn, dễ nuôi hơn giống lưỡng hệ, phát triển chủ yếu ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Hồng.
Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn cung tằm giống đa hệ cho sản xuất. Tuy nhiên, đối với giống tằm lưỡng hệ trong nước chỉ chủ động được 10% giống, còn 90% phải nhập từ Trung Quốc (theo đường tiểu ngạch), vì giống tằm lưỡng hệ của Trung Quốc có tỉ lệ tơ và kén cao (chiều dài tơ đơn 1.200-1.500m) so với các giống tằm của Việt Nam chiều dài tơ đơn đạt 800-1.000m. Hiện nay Trung Quốc cũng chưa cho phép xuất khẩu giống thuần, chỉ cho xuất khẩu tằm lai.
Trước đây, khi còn Tổng Công ty dâu tằm tơ Trung ương thì có hệ thống nhân giống, sản xuất giống tại Lâm Đồng và các tỉnh có nghề dâu tằm tơ. Khi không còn Tổng Công ty thì hệ thống này bị phá vỡ (không còn hệ thống giống tằm cấp II), khiến việc cung cấp giống tằm cho sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Từ nhiều năm qua các giống tằm lưỡng hệ, tằm đa hệ, tằm thầu dầu lá sắn giống gốc được nuôi giữ tại các cơ sở (Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, Công ty Cổ phần giống tằm Thái Bình và Công ty Cổ phần giống tằm Bảo Lộc, Công ty CP giống tằm Mộc Châu, Xí nghiệp tằm giống Mai Lĩnh, hàng năm hỗ trợ cho tằm giống gốc từ 2-3 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra còn có các đơn vị cung ứng giống tằm quy mô thương mại như: Xí nghiệp Giống tằm Nam Định, Cơ sở sản xuất trứng tằm sắn Thắng Nga (Phú Thọ)…
Với vai trò quan trọng của ngành dâu tằm tơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai Dự án "Phát triển hệ thống nhân giống tằm, dâu" để nâng cấp cơ sở vật chất và nhân giống dâu, tằm tại các đơn vị nghiên cứu ở Tây Nguyên, Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng; tiếp tục cho triển khai dự án phát triển giống tằm, dâu từ 2022 và thực hiện 4 đề tài nghiên cứu tằm, dâu.
Kết quả, 1 đề tài được nghiệm thu đã sử dụng giống tằm của Trung Quốc lai với tằm của Việt Nam để tạo ra giống tằm lai có năng suất đạt 90% so với tằm lai của Trung Quốc, nhưng số lượng chưa nhiều. 3 đề tài khác đang tiếp tục thực hiện, trong đó có đề tài về giống tằm, dâu triển khai tại Lâm Đồng. Cùng với các chương trình, dự án hợp tác với Hàn Quốc đã tiếp nhận được một số giống tằm mới của Hàn Quốc, trên cơ sở đó chọn tạo được các cặp tằm lai cho năng suất và chất lượng tơ kén cao.
Phía Bộ Khoa học Công nghệ cũng tiếp tục cho thực hiện đề tài cấp quốc gia "Chọn tạo một số cặp lai giống tằm lưỡng hệ và đa hệ", thực hiện từ 2024. Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục cho thực hiện đề tài chọn tạo giống tằm thầu dầu lá sắn, nhằm tăng cường năng lực sản xuất giống tằm trong nước để giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Hiện nay có khoảng 45% hộ nuôi tằm có nhà nuôi tằm riêng, trong đó nuôi tằm con tập trung chiếm tỷ lệ khoảng 80%, nhờ đó bà con đã hạn chế tổn thất do dịch bệnh. Kỹ thuật nuôi tằm lớn trên nền nhà cùng với hình thức tổ chức nuôi tằm con tập trung đã hình thành nên công nghệ nuôi tằm tiên tiến mang tính đột phá, làm thay đổi diện mạo nghề trồng dâu nuôi tằm trong thời gian qua.
Để phát triển bền vững về nghề trồng dâu nuôi tằm, và tạo thương hiệu cho sản phẩm sợi, tơ, lụa với thế giới, Ban Chấp hành Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam mới đưa ra kế hoạch và hoạch định chiến lược cho ngành dâu tằm trong tương lai. Theo đó, phát triển mô hình làng mẫu trồng dâu nuôi tằm bền vững, phát triển nông thôn mới thông qua thiết lập mô hình làng mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho tằm tơ. Đồng thời gìn giữ nét văn hóa bản địa, qua đó phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa kết hợp với phát triển du lịch sinh thái “xanh, sạch”, ví dụ như ở tỉnh Quảng Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.