Việt Nam mất 2 tỷ USD/năm để xuất ngoại chữa bệnh

Thứ ba, ngày 29/01/2013 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đáng nói, đây là những bệnh mà các bác sĩ Việt Nam có đủ trình độ để chữa trị thành công. Nhiều chuyên gia nhận định, thất thoát niềm tin của bệnh nhân còn lớn hơn cái giá 2 tỷ USD.
Bình luận 0

Cực chẳng đành phải đi

Ông Trần Văn Mơ (68 tuổi, trú tại phường Nguyễn Phúc, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đã xuống Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) sống với con trai được 2 năm để điều trị ung thư phổi. Ông cho biết, sau khi phát hiện mình bị ung thư phổi từ năm 2010, ông đã được bạn bè quảng cáo sang Singapore chữa trị. Trong gần 1 năm đi lại từ Việt Nam sang Singapore, ông đã điều trị hết gần 2 tỷ đồng Việt Nam.

img
Bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh vì không tin vào cơ sở vật chất, thái độ phục vụ và trình độ của bác sĩ Việt Nam.

Đến khi bệnh thuyên giảm, lại được người quen mách, ông đến Bệnh viện K Hà Nội để được điều trị tiếp. Toàn bộ viện phí ông được Bảo hiểm y tế chi trả. "Bây giờ mới biết mình đã tiêu phí một khoản tiền khổng lồ. Tuy nhiên, khi mới phát hiện bệnh, bản thân và gia đình đều bối rối, sợ hãi. Vì thế, ai mách ở đâu điều trị tốt thì đi thôi. Ở phố tôi, có mấy người bị ung thư đều sang Singapore chữa bệnh, tổng cộng cũng "đổ ra nước ngoài" hàng chục tỷ đồng" - ông Mơ cho biết.

Ông Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện K T.Ư cho biết, chẳng muốn để bệnh nhân nặng phải vạ vật chờ đợi, nhưng lực bất tòng tâm vì chỉ có 2 máy mà ngày nào cũng có 150-180 bệnh nhân cần xạ trị. Khi đã phải xạ trị, bệnh nhân nào cũng ốm yếu, kiệt quệ.

Lý giải về việc xuất ngoại chữa bệnh, bà Đàm Thị Loan - vợ ông Mơ cho biết, tuy đắt nhưng xắt ra miếng vì mình đã đăng ký khám trước, vào bệnh viện chỉ cần "xướng" tên là có y tá dẫn đi từng phòng, chỉ dẫn từng việc. Mỗi phòng khám cũng chỉ có vài bệnh nhân, không phải chen chúc, chờ đợi. "Tôi nhìn sự quá tải ở các bệnh viện Việt Nam mà hãi. Lúc mới phát bệnh, ông ấy rất mệt, làm sao đứng ngồi, chờ đợi khám chữa bệnh được" - bà Mơ cho biết.

Ông Trần Hồng A (56 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) cũng đang chuẩn bị sang Đài Loan điều trị ung thư đại tràng. Ông cho hay, đi khám tại bệnh viện T.Ư có hai lần đã không chịu nổi vì đợi từ sáng đến chiều mới làm xong mấy xét nghiệm, lúc nhập viện cũng nằm 2-3 người/giường, đã thế các y bác sĩ mặt lạnh như tiền, nói với bệnh nhân như quát, bệnh nhân mất tiền mà như được ban ơn, xin xỏ.

"Bệnh nhân lồm cồm từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn là người may mắn, vì còn chiếm được chỗ trong gầm giường. Tôi biết sang Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tốn kém, nhưng tôi có tiền, tôi muốn được phục vụ tốt. Còn ở Việt Nam có tiền cũng khó mà tìm được chỗ để thở trong bệnh viện, đã thế còn bực bội, bức xúc. Cực chẳng đã tôi phải đi" - ông A cho biết.

TS Trần Đăng Khoa - Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết, bệnh viện đang điều trị nội trú cho khoảng 500 bệnh nhân, mới quá tải "chút chút" 170%, so với các bệnh viện K T.Ư (249%), K TP. Hồ Chí Minh (247%)… thì vẫn còn vắng. "Mỗi ngày, một bác sĩ phải phục vụ vài ba chục bệnh nhân thì đến mặt còn chẳng thuộc hết nói gì đến bệnh án, hoàn cảnh. Trong khi tham khảo một số bệnh viện ở nước ngoài, mỗi bác sĩ chỉ điều trị cho 5-6 bệnh nhân. Ai cũng muốn làm nhanh, làm tốt, có thời gian, có đủ sức, đủ tinh thần để nhiệt tình, chu đáo, nói nhẹ, cười duyên, nhưng quả thực, áp lực quá tải luôn đè nặng lên đầu, lên cổ mỗi bác sĩ, y tá" - ông Khoa cho biết.

Nản về y đức

Theo ông Khoa, mỗi năm Bệnh viện K Hà Nội tiếp nhận 30-40 bệnh nhân đã điều trị ở nước ngoài về nước điều trị. Các bệnh nhân sang Singapore, Đài Loan, Trung Quốc để điều trị nhiều loại bệnh về ung thư. Có bệnh nhân điều trị thất bại, cũng có người bệnh đã lui nhưng hết tiền phải quay về Việt Nam. TS Khoa cho biết, bệnh án của họ cho thấy, đây đều là bệnh có thể điều trị thành công ở Việt Nam với chi phí ít hơn từ 5-10 lần, thậm chí nhiều bệnh nhân còn được bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn.

Theo các chuyên gia, các bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh chủ yếu là các bệnh mà Việt Nam cũng đã làm tốt như ghép tạng, ung thư, phẫu thuật tim, phẫu thuật thẩm mỹ, tại các nước như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan…

Nhưng các bệnh nhân đều cho biết, điều trị ở nước ngoài tốn kém nhưng bù lại họ được chăm sóc kỹ càng, đội ngũ nhân viên luôn tươi cười, niềm nở, chu đáo khiến bệnh nhân hả dạ, mát lòng, mất tiền mà vui. "Trình độ y học của họ không hơn nhưng thái độ, cách phục vụ, giao tiếp của họ thì mình còn mê nữa là bệnh nhân. Bệnh nhân ra nước ngoài vì không tin vào cơ sở vật chất, thái độ phục vụ và trình độ của bác sĩ Việt Nam hoặc chúng ta chưa làm cho bệnh nhân tin tưởng" - TS Khoa tâm sự rất thật.

Theo GS-TS Đỗ Kim Sơn - Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam - trình độ y học Việt Nam không thua kém nhiều nước phát triển trong khu vực, kể cả về các kỹ thuật khó như mổ nội soi, ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, chữa ung thư. Tuy nhiên, môi trường bệnh viện "ô nhiễm" khi thái độ phục vụ của y bác sĩ không được nhiệt tình, bệnh viện chật chội, lộn xộn, khiến bệnh nhân không yên lòng, thích ra nước ngoài chữa bệnh hơn.

Một trong 10 thành tựu y tế nổi bật năm 2012 mà Bộ Y tế đã tôn vinh là ứng dụng thành công các kỹ thuật hiện đại trong y học như: Ghép tủy đồng loại, ghép gan, tim, thận, kỹ thuật chẩn đoán di truyền… Tuy nhiên, có lẽ, ngành y chưa thành công trong việc tạo niềm tin cho người dân.

Bệnh nhân cần sự cảm thông

"Các bệnh viện đổ lỗi cho bệnh viện quá tải để lý giải việc bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh là trốn tránh trách nhiệm chủ quan của mình. Trong khi đó, điều bệnh nhân mong chờ ở các y bác sĩ trước hết chỉ là thái độ ân cần, tận tâm và biết cảm thông với nỗi đau đớn, lo lắng của người bệnh. Cái đó không cần tiền, không cần phải có cơ sở vật chất khang trang, trình độ y học vượt bậc hay thời gian để khắc phục".

Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP)

Niềm tin y đức bị giảm sút

Thiếu văn hóa giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân cũng khiến người thầy thuốc dễ bị đổ tội khi có tai biến y khoa xảy ra. Tai biến y khoa là việc khó tránh khỏi nhưng cần phải có sự giải thích cặn kẽ với gia đình bệnh nhân từ lúc đầu tiên vào viện đến khi kết thúc điều trị để tránh hiểu nhầm, hiểu sai. Điều đó sẽ khiến cho niềm tin của người dân vào y đức bị giảm sút.

nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa (BV Việt Đức)

Cần thực hiện tốt chính sách y tế

Từ lâu Nhà nước đã phân bổ tiền thuế của người dân vào bệnh viện công - khu vực đang nắm vai trò chủ đạo trong chăm sóc sức khỏe nhưng đã rơi vào quá tải. Trong khi đó, hệ thống y tế tư nhân không đủ cơ chế để có thể mở rộng đầu tư phát triển. Cái cốt lõi để giải quyết vấn đề bệnh nhân ra nước ngoài điều trị nằm ở việc đảm bảo chính sách y tế của Chính phủ.

Giám đốc Trung tâm Y khoa MEDIC
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem