Việt Nam thử nghiệm đợt 2 tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trên chuột

Thứ tư, ngày 20/05/2020 11:30 AM (GMT+7)
TS.Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vắc-xin và sinh phẩm số 1 cho biết, đơn vị sẽ tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 đợt 2 trong tháng 6 tới.
Bình luận 0

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế, cho hay đơn vị này sẽ tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 đợt 2. Dự kiến, đợt thử nghiệm sẽ được thực hiện trong đầu tháng 6 trên chuột. Số lượng chuột hiện chưa được quyết định.

Hiện nay, VABIOTECH là đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vắc-xin dự tuyển Covid-19 và bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột.

Theo ông Đạt, từ 26/4, đã có 50 con chuột được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 để đánh giá tính an toàn và hiệu quả sinh kháng thể miễn dịch.

“Đây mới là bước đầu tiên. Mẫu máu của chuột thí nghiệm đã được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đang trong giai đoạn chờ kết quả đánh giá. Bước đầu cho thấy đàn chuột thí nghiệm khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu", ông Đạt thông tin.

Việt Nam thử nghiệm đợt 2 tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trên chuột - Ảnh 1.

Sau tiêm vắc-xin, hiện chuột thí nghiệm khoẻ mạnh và tiếp tục được theo dõi. Ảnh: BSCC.

Đến hiện tại, tại Việt Nam có 4 đơn vị cũng đang nghiên cứu vắc-xin phòng chống COVID-19 nhưng VABIOTECH là đơn vị đầu tiên thử nghiệm trên chuột và thu được các kết quả ban đầu rất khả quan.

Trên thế giới có khoảng 100 nhà phát triển và sản xuất đang cùng nghiên cứu phát triển vắc xin ở giai đọan thử nghiệm trên động vật tương tự Việt Nam, có 8 nhà sản xuất đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.

Việt Nam đang theo dõi kết quả thử nghiệm của 8 nhà sản xuất này, nếu đạt hiệu quả và độ an toàn, các nhà nghiên cứu cũng xem xét để tiến hành bước đi tương tự.

TS.Đỗ Tuấn Đạt cho biết, trước khi sản xuất để tiêm sang người, vắc-xin đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ngoài việc mình có một ứng cử viên tốt cho vắc-xin, sản xuất được vắc-xin đó hay không cũng là một câu hỏi lớn.

“Với kinh nghiệm chúng tôi có thì nhanh nhất cũng phải 8-9 tháng nữa mới có được ứng viên vắc-xin để thành một vắc-xin hoàn chỉnh để thử nghiệm trên động vật trước rồi sau đó mới sang người. Chúng tôi cũng mong muốn rút ngắn được thời gian này và đang nỗ lực vì điều đó”, ông Đạt nói.

Diệu Thu (Dân Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem