Việt Nam thực hiện hiệu quả về đảm bảo an ninh hạt nhân

Thứ tư, ngày 28/03/2012 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong hai ngày 26 và 27.3, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai (NSS-2) đã diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Bình luận 0

Thông qua 11 vấn đề lớn

TTXVN cho biết, các bên tham gia hội nghị đã đề xuất nhiều biện pháp để thúc đẩy an ninh và an toàn hạt nhân, như khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo, hỗ trợ về an ninh hạt nhân và tăng cường hợp tác quốc tế trong vấn đề này.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Kết thúc hội nghị, các nước đã nhất trí thông qua Thông cáo chung thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên 11 vấn đề lớn, gồm: Cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, vai trò của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vật liệu hạt nhân, các nguồn phóng xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, an ninh vận chuyển, chống buôn lậu, giám định hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, an ninh thông tin và hợp tác quốc tế. Hội nghị quyết định NSS tiếp theo sẽ được tổ chức tại Hà Lan vào năm 2014.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hội nghị đã trở thành diễn đàn cấp cao tập hợp và tăng cường ý chí chính trị cũng như thiện chí hợp tác trong nỗ lực chung nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

Về các biện pháp đã thực hiện của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, xuất phát từ quan điểm nhất quán sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và đóng góp thiết thực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng an toàn, an ninh và tham gia các điều ước quốc tế, các sáng kiến liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình, đặc biệt là từ sau NSS lần thứ nhất.

Nhiều biện pháp cụ thể của Việt Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông tin tại hội nghị, như việc đang hoàn tất thủ tục nội bộ gia nhập Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; hợp tác có hiệu quả với IAEA, Mỹ và Nga trong việc hoàn tất việc chuyển đổi nhiên liệu urani có độ giàu cao (HEU) sang loại có độ giàu thấp (LEU) tại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và mới ký Hiệp định với LB Nga ngày 16.3.2012 về việc đưa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trở lại Nga; đang đàm phán với Mỹ tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123)... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và đang xem xét để phê chuẩn Nghị định thư bổ sung.

Việt Nam quyết tâm phát triển điện hạt nhân

Về các biện pháp giải quyết vấn đề an toàn và an ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân là những nhân tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ đối với an ninh và an toàn hạt nhân, trong khi mỗi quốc gia cũng có quyền chính đáng trong việc sử dụng năng lượng và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Các khác biệt và bất đồng về vấn đề này phải được giải quyết trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp hòa bình, có tính tới lợi ích chính đáng của mỗi nước.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam phát triển Chương trình điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia; đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của IAEA và các nước như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện những bước đi đầu tiên để thực hiện chương trình này. Cùng với lãnh đạo các nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí thông qua Thông cáo chung của hội nghị. Thủ tướng cũng khẳng định ủng hộ việc tiếp tục tổ chức các hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân và cam kết Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào thành công của tiến trình này.

Ngày 27.3, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NSS-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Thủ tướng New Zealand John Key, Phó Thủ tướng Vương quốc Anh Nick Clegg và Thủ tướng Pakistan Raza Gillani.

Bất chấp chỉ trích của nhiều nước, CHDCND Triều Tiên ngày 27.3 tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch phóng tên lửa mang theo một vệ tinh vào tháng 4 tới. Mỹ và các nước khác đã tuyên bố kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng thực chất là một vụ phóng tên lửa tầm xa và vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Ngày 26.3, Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên công bố chi tiết về "vệ tinh thời tiết" mà nước này có kế hoạch phóng lên quỹ đạo vào tháng tới, cho rằng đây là một vệ tinh hữu ích đối với việc nghiên cứu dự báo thời tiết. Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka đã chỉ thị cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem