Việt Nam tích cực tham gia tiến trình đàm phán TPP

Thứ hai, ngày 14/11/2011 07:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia đàm phán và đảm bảo sẽ làm một đối tác hết sức tích cực để sớm hiện thực hóa Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai gần.
Bình luận 0

TPP là một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị cấp cao APEC diễn ra ngày 13.11.

Hướng tới tự do hóa thương mại

Các nhà lãnh đạo các nước Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã công bố những nét chính của TPP. Đây là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của 9 quốc gia về việc thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới, trong đó tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ 21.

img
Tối 12.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân dự tiệc của Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân chiêu đãi các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC dự hội nghị. Trong ảnh: Tổng thống Barack Obama và phu nhân đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân.

Các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng hiệp định này sẽ là một hình mẫu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai, thúc đẩy các mối liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hỗ trợ tạo việc làm, mang lại mức sống cao hơn và giảm đói nghèo cho người dân tại mỗi nước thành viên.

Những nét chính của TPP gồm: Tiếp cận thị trường một cách toàn diện, xây dựng một hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên, coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP...

Trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được, các nhà lãnh đạo 9 nước tham gia TPP cam kết dành những nguồn lực cần thiết để hoàn tất hiệp định mang tính biểu tượng này trong thời gian sớm nhất có thể.

Các nhà lãnh đạo cho rằng những tiến bộ đạt được sẽ giúp hướng tới mục tiêu cuối cùng là tự do hóa thương mại khu vực Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các đoàn đàm phán nhóm họp vào đầu tháng 12 tới và sắp xếp lịch cho các phiên đàm phán tiếp theo trong năm 2012.

Chủ tịch nước gặp gỡ lãnh đạo nhiều quốc gia

Ngày 12.11, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác về kinh tế thương mại một cách thực chất và hiệu quả... Hai vị lãnh đạo cũng đã trao đổi về vấn đề biển Đông, nhất trí giải quyết thỏa đáng vấn đề biển Đông thông qua đàm phán hòa bình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông, hai bên cần tuân thủ những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC.

Trưa 12.11, dự Đối thoại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao đổi và trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Mỹ về môi trường kinh doanh, các chính sách đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo… của Việt Nam, các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Gặp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch nước đề nghị phía Nga đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật quân sự, và đặc biệt cần đưa dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trở thành biểu tượng mẫu mực cho quan hệ hữu nghị và hợp tác mới giữa hai nước.

Tổng thống Medvedev hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Thủ tướng Australia Julia Gillard. Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam trong lĩnh vực ODA, đặc biệt là cầu Mỹ Thuận và dự án cầu Cao Lãnh. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là các cơ chế do ASEAN làm trung tâm, EAS, APEC.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem