Viết tiếp bản hùng ca giữ biển

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 12/02/2021 15:34 PM (GMT+7)
Sau 19 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 162- Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân tự hào khẳng định khả năng, năng lực, trình độ của đơn vị tàu mặt nước chiến đấu hiện đại nhất Quân chủng Hải quânsẵn sàng viết tiếp “Bản hùng ca giữ biển”.
Bình luận 0

Những con tàu hộ vệ hiện đại

Dẫn chúng tôi tham quan đội tàu hộ vệ tên lửa hiện đại bậc nhất của Quân chủng Hải quân hiện nay, Trung tá Phạm Anh Tuấn - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 cho biết: Lữ 162 được mệnh danh là "Lữ đoàn thép" bởi đơn vị được Quân chủng Hải quân giao quản lý, khai thác một lượng lớn tàu thuyền cùng vũ khí trang bị mới, hiện đại, nhiều loại tàu chiến hiện đại, có sức tấn công lớn. Trong đó phải kể đến đội tàu hộ vệ tên lửa là tàu chiến đấu được sản xuất tại Nga, có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng không quân, tàu ngầm để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển.

Theo trung tá Phạm Anh Tuấn, xác đinh rõ nhiệm vụ và trọng trách được giao nên ngay trong quá trình tiếp nhận, huấn luyện, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra các chỉ tiêu, chủ trương, biện pháp cụ thể trong huấn luyện làm chủ trang bị mới theo kế hoạch hàng tháng, quý, năm. Đặc biệt, Đảng ủy Lữ đoàn phân công cho đảng ủy viên trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện ở từng dạng tàu. Chính vì vậy, việc làm chủ hoàn toàn vũ khí, trang bị kỹ thuật mới ở Lữ đoàn 162 được khẳng định trong thực hành kiểm tra bắn đạn thật các bài súng, pháo định kỳ. Điển hình là năm 2017, cuộc bắn tên lửa được tổ chức với quy mô toàn quân chủng diễn ra tại Cam Ranh, cán bộ, chiến sĩ các tàu 012, 381 và 374 của Lữ đoàn 162 đã bắn chính xác mục tiêu. Đây là minh chứng cụ thể, sinh động nhất cho việc làm chủ trang bị hiện đại của đơn vị.

Tatnien/ Viết tiếp bản hùng ca giữ biển - Ảnh 1.

Những “quả đấm thép” ở Lữ đoàn 162. Ảnh: T.L

Giáp tết, trên những tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9, CBCS đang hối hả bước vào ôn luyện, kiểm tra khoa mục tại bến. Cờ Tổ quốc và cờ Hải quân phấp phới trước gió. Khẩu lệnh của chỉ huy tàu vang xa. Tất cả tạo nên khí thế thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối.

Trung tá Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: "Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của lữ đoàn, mỗi CBCS luôn phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu; nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ và ứng dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Đây là cơ sở vững chắc để Lữ đoàn 162 nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo được phân công, quản lý.

Cùng biên đội huấn luyện hiệp đồng, trung úy Nguyễn Phi Hoàng - trưởng ngành hàng hải tàu 011- Đinh Tiên Hoàng tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ trên con tàu hiện đại. So với các tàu mặt nước khác thì tàu hộ vệ tên lửa có nhiều vũ khi trang thiết bị mới, sử dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin, bên cạnh đó tài liệu chủ yếu là tiếng Nga nên các CBCS trên tàu đã phải nỗ lực rất nhiều. "Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, mỗi CBCS luôn xác định tốt nhiệm vụ, luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, cố gắng học tập, rèn luyện làm chủ vũ khí, khí tài, phát huy cao nhất tính năng các loại vũ khí để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh" - trung úy Hoàng cho hay.

Có lệnh là lên đường

"Có lệnh là lên đường, có lệnh là sẵn sàng chiến đấu". Đó là khẩu hiệu, là mệnh lệnh nằm lòng của mỗi CBCS Lữ đoàn 162. Vì vậy, không kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày tết, những buổi huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của biên đội tàu diễn ra bất cứ lúc nào. Thượng úy Nguyễn Văn Chiến - Trưởng ngành radar tàu 012 - Lý Thái Tổ chia sẻ: "Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của tàu được tiến hành thường xuyên. Chính vì vậy, mỗi tiểu đội, mỗi ngành luôn phải tập trung, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Để làm chủ được con tàu hiện đại này, mỗi CBCS phải trải qua một quá trình học tập, nghiên cứu không mệt mỏi để điều khiển con tàu ngày càng vững vàng vượt trùng khơi, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc".

Tatnien/ Viết tiếp bản hùng ca giữ biển - Ảnh 3.

Cán bộ chiến sĩ trên tàu hộ vệ tên lửa huấn luyện hiệp đồng tác chiến trên biển. Ảnh: G.T

Theo thiếu tá Bùi Xuân Bình - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn: Là đơn vị nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo của Vùng 4 Hải quân, cũng là đơn vị có đội tàu chiến hùng mạnh, trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ trên giao cho Lữ đoàn 162 ngày càng nặng nề. Từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho mỗi CBCS từ cơ quan đến các Hải đội, tàu trực thuộc phải luôn đồng thời tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị và chất lượng huấn luyện để vừa giỏi tác chiến, vừa có bản lĩnh vững vàng; lấy thao trường trên biển làm chiến trường huấn luyện; lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biển được phân công quản lý, hướng trọng điểm làm mục tiêu huấn luyện.

Trong những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Lữ đoàn 162 còn thường xuyên được tin tưởng giao nhiệm vụ và là đơn vị đi tiên phong trong hoạt động đối ngoại quốc phòng với nhiều quốc gia tại nhiều vùng biển khác nhau. Qua những hải trình, CBCS và những con tàu của Lữ đoàn 162 đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp của Hải quân nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như sự tin tưởng, tự hào của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh hoạt động thăm hữu nghị, các biên đội của Lữ đoàn đã phối hợp với hải quân các nước trong khu vực thực hiện các chuyến tuần tra chung, luyện tập tìm kiếm cứu nạn, tham gia duyệt binh tàu hải quân quốc tế, diễn tập bảo đảm an ninh hàng hải và chống khủng bố...

Thiếu tá Trần Văn Vương - thuyền trưởng tàu 015 - Trần Hưng Đạo tự hào: "Mỗi chuyến đi của con tàu là hành trình của "sứ giả hòa bình" đại diện cho Quân chủng, Quân đội và đất nước Việt Nam giao lưu với bạn bè quốc tế. Đó là niềm tự hào rất lớn đối với mỗi CBCS tàu nói riêng và biên đội tàu của Lữ đoàn nói chung. Con tàu là hình ảnh biểu trưng của quốc gia, của dân tộc khi sang nước bạn. Đó là động lực để cán bộ, chiến sĩ trên tàu không ngừng nghiên cứu, làm chủ trang bị được giao". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem