100 container điều xuất khẩu sang Ý: Quá nhiều bất lợi cho doanh nghiệp
Vinacas nói gì về phương thức giao dịch xuất khẩu của 100 container điều trị giá gần 1.000 tỷ đồng?
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 10/03/2022 07:00 AM (GMT+7)
Vinacas đánh giá 100 container điều xuất khẩu sang Ý được giao dịch bằng phương thức quá rủi ro. Và 36 container điều mất kiểm soát hiện vẫn chưa tìm được biện pháp giải quyết vì thời gian quá gấp rút.
Tại buổi họp báo chiều tối ngày 9/3, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, thông tin tổng hợp ban đầu từ các doanh nghiệp (DN) là có gần 100 container điều được giao dịch.
Sau đó, có nhiều container điều đã rời cảng, một số container vẫn còn nằm tại cảng. Khi phát hiện có yếu tố bất thường, các DN đã ngừng xuất cảng 1 số container.
Theo Vinacas, thông tin bất lợi là cả phía ngân hàng Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đã mất quyền kiểm soát 36 container điều xuất khẩu sang Ý. Các lô hàng bị thay đổi chủ sở hữu, và có khả năng mất lô hàng.
Dựa vào hợp đồng, giá trị 36 container điều này là 7,025 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, Hiệp hội đã có văn bản gửi các Bộ ngành nhờ can thiệp để bảo vệ quyền lợi DN trong nước.
Các DN như đang "ngồi trên đống lửa" vì tính gấp gáp của vụ việc. Hiện đã có vài container điều cập cảng tại Ý. Hơn 30 container còn lại sẽ đến Ý ngay trong tháng 3 này.
Trong ngày 9/3, Vinacas đã tổ chức 2 cuộc họp giữa DN với các ngân hàng và giữa DN với các hãng tàu nhằm tìm biện pháp tháo gỡ.
Ông Nhựt thông tin, các ngân hàng có liên quan rất nhiệt tình tham gia giải quyết.
Phía ngân hàng cho biết, trong các quy định giao dịch quốc tế, có những điều khoản ghi chú: Ngân hàng thực hiện theo đúng tất cả yêu cầu theo khách hàng. Trong đó có việc chuyển toàn bộ chứng từ đến người thụ hưởng.
Vinacas đã nhờ các ngân hàng tìm hiểu mức độ tín nhiệm của người mua, để cảnh báo những DN khác.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết: Đó là chức năng không bắt buộc; tìm hiểu được thì tốt, không được cũng không vi phạm pháp luật.
Với 5 hãng tàu tàu liên quan, chỉ có hãng tàu Cosco tham gia đối thoại, tìm hướng giải quyết.
Biện pháp đầu tiên là Vinacas gửi thông báo, nhờ chủ hãng tàu Cosco (trụ sở chính ở Trung Quốc) can thiệp.
Tuy nhiên, thông tin từ Cosco cho biết, người đang cầm bộ chứng từ gốc có quyền thưa kiện nếu hãng tàu không chịu giao hàng. Đây là thông lệ quốc tế.
Biện pháp thứ 2, các chuyên gia tư vấn Vinacas cần nhờ đến các tòa án hỗ trợ pháp lý để ngăn chặn vụ việc.
Tuy nhiên, biện pháp này mất nhiều thời gian bổ sung chứng từ, bổ sung thông tin từ cả 2 bên mua và bán.
"Trong khi thời gian quá gấp rút, doanh nghiệp khó đáp ứng kịp trong tháng 3 này", ông Nhựt nói.
Một biện pháp khác là, doanh nghiệp Việt Nam đề xuất với các Trung tâm trọng tài thế giới vận dụng các yếu tố khẩn cấp, ra phán quyết mà không cần sự có mặt của người nước ngoài. Biện pháp này cũng không dễ thực hiện cũng vì yếu tố thời gian.
Về vai trò của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt, Vinacas cho biết công ty này có trụ sở chính ở TP.HCM, đã hoạt động trong lĩnh vực môi giới từ hơn 10 năm nay.
Đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm giao dịch quốc tế. Vì thế, công ty Kim Hạnh Việt bước đầu tạo được niềm tin với doanh nghiệp xuất khẩu điều.
Từ trước đến nay, những vướng mắc liên quan đến xuất nhập khẩu điều nhân, điều thô vẫn diễn ra. Tuy nhiên, các vướng mắc được các bên tự thỏa thuận giải quyết ổn thỏa.
Đến thời điểm này, chưa có 1 sự cố nào đáng kể để Vinacas phải khuyến cáo DN khi giao dịch với Công ty Kim Hạnh Việt, thông tin tại cuộc họp báo cho biết.
Chỉ qua sự việc lần này mới nảy sinh nghi ngờ có dấu hiệu tiếp tay lừa đảo. "Chúng tôi vẫn phải dùng từ "nghi ngờ" vì chưa có bất cứ bằng chứng cứ về hành vi lừa đảo", ông Nhựt lưu ý.
Có nghi vấn cho rằng bà Huỳnh Kim Hạnh, đại diện pháp luật của Công ty Kim Hạnh Việt đã trốn ra nước ngoài.
Vinacas bác bỏ điều này và cho biết, chồng bà Hạnh là người Mỹ. Bản thân bà Hạnh đã không về Việt Nam suốt 1 thời gian dài.
Ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng thư ký Vinacas cho biết, trong giao dịch quốc tế, môi giới là hoạt động rất phổ biến.
Tuy nhiên, phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P - Documents against Payment) lại chứa đựng quá nhiều rủi ro.
D/P là phương thức mà 5 DN xuất khẩu điều trong nước đã lựa chọn khi xuất khẩu 100 container điều sang Ý.
Theo phương thức này, người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán.
Ngân hàng sẽ thay mặt người bán khống chế bộ chứng từ hàng hóa. Nhưng rủi ro ở chỗ, người bán thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua.
Người mua có thể kéo dài việc trả tiền bằng cách, nói chưa nhận chứng từ hoặc có thể không nhận hàng hóa khi tình hình thị trường bất lợi đối với họ. Như vậy, quyền lợi của bên bán vẫn chưa thực sự được đảm bảo.
Phương thức có tính an toàn cao hơn là giao dịch L/C (giao dịch Tín dụng thư). Tuy nhiên, phương thức này tốn kém thời gian, thủ tục phức tạp.
Trong khi phương thức D/P được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay. Phương thức này đơn giản, và vì thế được nhiều DN xuất khẩu lựa chọn.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, sự cố mất kiểm soát 36 container điều xuất khẩu sang Ý lần này chưa từng có tiền lệ. Là tổ chức hội nghề nghiệp, Vinacas đang nỗ lực làm tất cả để bảo vệ quyền lợi của DN.
"Bài học trước mắt có thể rút ra từ vụ việc lần này là các DN phải tìm hiểu kỹ, cẩn trọng lựa chọn khách hàng và nhà môi giới", ông Nhựt chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.