Vinasun cáo buộc GrabTaxi phản hồi sai về việc TAND TP.HCM tạm đình chỉ vụ xét xử ngày 7.3

PV Thứ sáu, ngày 09/03/2018 16:32 PM (GMT+7)
Ngày 7.3, TAND TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ xét xử vụ án dân sự giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi. Lý do tạm đình chỉ là “cần đợi kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ tại Sở GTVT TP.HCM, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, Bộ GTVT.
Bình luận 0

Tuy nhiên, theo phía Vinasun, vào lúc 11h45 ngày 7.3, GrabTaxi đã có động thái phản hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng một số thông tin chưa đúng với sự thật.

img

Theo đó, Grab khẳng định rằng Vinasun không cung cấp được thêm chứng cứ cần thiết và hợp lệ cho các cáo buộc của đơn vị, đồng thời Vinasun chưa nộp bổ sung bất cứ tài liệu nào theo yêu cầu của Tòa. Tuy nhiên, ở phiên toà lần trước, toà án chỉ yêu cầu Vinasun cung cấp thêm giấy phép kinh doanh của đơn vị nghiên cứu thị trường, sau đó đúng 1 ngày Vinasun đã nộp đầy đủ. Về chứng cứ, Vinasun đã cung cấp tới 15 chứng cứ, trong đó có khoảng 13 vi bằng và 2 báo cáo nghiên cứu thị trường. Báo cáo nghiên cứu này là của hai công ty có chức năng nghiên cứu thị trường và thẩm định thị trường, họ đã cung cấp kết quả và dựa trên kết quả này phía Vinasun đã cung cấp cho HĐXX để có cơ sở chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Ngoài ra, Grab khẳng định Grab là một doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm cao và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả kinh doanh đã được kiểm toán, GrabTaxi đã lỗ hơn 938 tỷ đồng trong 3 năm: năm 2014 lỗ hơn 51 tỷ đồng; năm 2015 lỗ hơn 441 tỷ đồng; năm 2016 lỗ hơn 444 tỷ đồng. Phía Vinasun cho rằng, căn cứ vào các quy định liên quan và tại Quyết định số 1006 ngày 1.11.2016 của Bộ Tài chính về việc ban hành Bộ tiêu chí và chỉ số lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro, GrabTaxi thuộc trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, bị đưa vào diện giám sát trọng điểm.

img

Vinasun giải thích lý do kiện Grab vì công ty này vi phạm luật khuyến mãi chứ không phải luật canh tranh. Nhưng Grab đã cố tình không hiểu vấn đề này, tung thông tin sai sự thật nhằm đánh lạc hướng dư luận về nội dung kiện tụng.

Cụ thể, Vinasun kiện đòi bồi thường hợp đồng trên cơ sở GrabTaxi vi phạm Luật Thương mại 2005, cụ thể ở phần khuyến mại chứ không phải là vi phạm Luật cạnh tranh 2005. Vinasun không kiện trên cơ sở Luật Cạnh tranh vì nó không thuộc thẩm quyền của Tòa, Vinasun kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều này đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự của Việt Nam hiện hành.

Đại diện Vinasun cũng cho biết, ý thức được công nghệ là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, Vinasun đã thực hiện nghiên cứu và phát triển Vinasun App (ứng dụng điện thoại đặt taxi) từ năm 2011. Từ tháng 12.2015, Vinasun App đã chính thức được áp dụng trên toàn hệ thống và các tỉnh có taxi Vinasun hoạt động.Đồng thời, công ty này cũng đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn như: trang bị công nghệ trong toàn bộ hoạt động taxi, gắn máy tính bảng trên toàn bộ xe taxi, máy POS tính tiền và in hóa đơn, nhân viên điều hành các nơi đón khách sử dụng phần mềm nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng...

“Do vậy, vụ kiện mà Vinasun theo đuổi không phải chỉ mưu cầu lợi ích cho riêng Vinasun. Điều mà Vinasun đau đáu nhất, là nếu những vấn đề mà Vinasun phản ánh về GrabTaxi là chính xác, thì những phán quyết công tâm của tòa án sẽ là tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đứng lên giành quyền lợi, sự công bằng và bình đẳng trong kinh doanh”, đại diện công ty này nói thêm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem