Vĩnh biệt Đoàn Lê- nhà văn của những phận người bé mọn

Vũ Thị Hải Thứ sáu, ngày 10/11/2017 07:00 AM (GMT+7)
Sáng nay, 10.11, tại Nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội, lễ viếng nhà văn Đoàn Lê được cử hành trang trọng trong niềm tiếc thương vô hạn của đông đảo độc giả yêu mến người nữ sỹ tài hoa Đất Cảng.
Bình luận 0

“Bà Đoàn Lê” là Đại từ nhân xưng mà tôi và nhà thơ Vũ Thị Huyền gọi nữ sỹ Đoàn Lê mỗi khi nhắc tới bà như: “Ra nhà bà Đoàn Lê chơi không?” hoặc “Đi thăm bà Đoàn Lê ốm đi”...

Bà cũng gọi chúng tôi bằng cháu, hoặc con, rồi xưng “bà”. Như nhiều lần bà bảo: “Hai con luôn nhớ, tâm linh là có thật, khó lý giải”. Chúng tôi gật đầu: “Tin ạ”, “tin ạ”...

Bà Đoàn Lê ơi. Thế mà... Cái tin bà đi về cõi ấy đúng giờ Ngọ của ngày lập Đông không có nắng. Trời trĩu mây. Bàng hoàng nhận ra, người đàn bà đẹp ấy đã về Trời, bỏ lại trần gian bao người ngơ ngác. Ngỡ như bà lên Thủ đô ít ngày rồi lại trở về Biệt thư Lộc Vừng ở xóm Núi Đồ Sơn. Vậy mà...

img

Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Lê.

Trong căn biệt thự có giàn hoa Cát Đằng buông tím đung đưa, bà Đoàn Lê viết truyện ngắn. Bà viết như nhập đồng về số phận con người khổ đau nhưng kiêu hãnh, lạc quan.

 Bà muốn ôm ghì những thân phận người trong chuỗi mô-típ “xóm Chùa” thân yêu của bà. Một thiên ký sự bằng truyện ngắn ra đời liên tiếp ở Lộc Vừng Biệt thự: “Xóm Chùa Ông”, “Đất xóm Chùa”, “Nghĩa Địa xóm Chùa”, “Người đẹp xóm Chùa”, “Giường Đôi xóm Chùa”, “A. Tourism Xóm Chùa” và đặc biệt “Trinh tiết xóm Chùa”- truyện được giải Ba báo Văn Nghệ năm 2004.

img

Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Lê.

Các truyện ngắn đã được in thành tập truyện mang tên “Trinh tiết xóm Chùa” nhận giải Nhì của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2005.

Bà Đoàn Lê đặc biệt thích viết truyện ngắn nhưng tiểu thuyết lại tôn vinh bà như một nhà văn- nhà tiểu thuyết không dùng đến thủ thuật để câu khách, thế mà người đọc luôn bị hút theo các dòng sự kiện cuồn cuộn... như có ý kiến nhà phê bình văn học đã từng nhận xét.

“Cuốn gia phả để lại”, “Người đẹp và Đức Vua”, “Lão già tâm thần” đều là những tiểu thuyết được độc giả trân trọng. Sự trầm tĩnh ngòi bút như nội lực ẩn giấu trong bà đã hóa giải cơn cuồng nộ của đời sống con người đang bị xáo động bởi cơ chế thị trường khiến văn của bà giữ được vẻ đẹp, sự nền nã, thanh lịch hay dí dỏm.

Nhà văn Đoàn Lê từng là diễn viên vô cùng xinh đẹp của nền điện ảnh nước nhà những năm 70 thế kỷ trước. Trải qua nhiều bộ môn nghệ thuật như: Thiết kế mỹ thuật, biên kịch, đạo diễn phim... môn nào bà cũng gặt hái nhiều thành công.

Phim truyện nhựa “Làng Vũ Đại ngày ấy” do bà biên kịch, phim “Cha và Con” do bà đạo diễn đều đã đoạt bằng khen tại Liên hoan phim Quốc tế Tasken 1980.

Bà vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn phim “Con Vá”- phim giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2001, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

“Chim Bìm Bịp”, “Nước mắt của Biển” dưới bàn tay đạo diễn của bà cũng đều gặt hái thành công và ghi được dấu ấn trong dòng chảy điện ảnh nước nhà.

img

Nhà văn Đoàn Lê (phải) và các bạn văn chương tại Đồ Sơn năm 2004.

Ngắm bà đi lại thướt tha trong xưởng vẽ tại Biệt thự Lộc Vừng ở Đồ Sơn, tự hỏi không biết bà lấy đâu ra nhiều năng lượng sống đến thế để vẽ, để viết, để đi, để ngắm trời cao biển rộng, để sáng tạo không ngừng nghỉ cho nghệ thuật.

Sinh ngày 15.4.1943 tại Hải Phòng, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, họa sỹ, thi sỹ Đoàn Lê còn có bút danh Hạ Thảo đã qua đời vào ngày 6.11.2017 tại Hà Nội.

Người đàn bà đẹp, tài hoa, “Ngày chị sinh trời cho làm thơ”- câu thơ của em gái bà- nhà thơ Đoàn Thị Tảo viết tặng bà năm xưa giờ đã đi vào câu ca, lời hát, vẫn ở lại với chúng ta “Vấn vương như sợi tơ trời”.

Cùng với văn chương của bà, sự quan tâm đau đáu với từng nỗi đời của mỗi số phận người bé nhỏ mãi còn, cùng nỗi tưởng nhớ bà trong nghẹn ngào đau xót lúc chia phôi kẻ đi người ở...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem