Vịnh Cam Ranh “Pháo đài thiên nhiên lý tưởng”

Mai Khuê Thứ sáu, ngày 27/01/2017 06:45 AM (GMT+7)
Núi Hoàng Ngưu, núi Cù Hin, núi Ké, núi Phượng Hoàng, núi Chúa, Hòn Dồ, Hòn Dự… vây quanh một vịnh nước sâu tạo nên một “pháo đài thiên nhiên lý tưởng”. Vịnh Cam Ranh, được các nhà quân sự phương Tây đánh giá như “một đồn phòng vệ của Thái Bình Dương”.
Bình luận 0

Pháo đài khó công dễ thủ

Vịnh Cam Ranh, được tạo nên do một nhánh của dãy núi Hoàng Ngưu (còn gọi là Đồng Bò, cao hơn 927m) chạy từ mũi Cù Hin theo hướng Bắc - Nam vào đến mũi Điện dài trên 30km, với những điểm cao: Cù Hin, núi Ké, núi Phụng Hoàng. Một nhánh của dãy núi Chúa từ phía Nam chạy theo hướng Nam - Bắc tới mũi Chà Đà tạo thành một cửa trong của vịnh. Hai ngọn núi khác nối liền nhau là Hòn Gò và Hòn Dự tạo thành đảo Bình Ba, nằm án ngữ giữa biển, phía Nam bán đảo Cam Ranh, tạo thành 2 cửa ngoài của vịnh gồm: cửa Lớn ở phía Nam và cửa Nhỏ ở phía Bắc.

img

 Vịnh Cam Ranh hướng nhìn ra Cửa Lớn, từ đây đến Trường Sa chỉ 600km.   Ảnh: M.K

Núi, đảo, bán đảo bao quanh nên vịnh Cam Ranh nên không những gió bão không thể xâm nhập mà địa thế cao điểm này có thể khống chế cả khu vực xung quanh cảng một cách rất dễ dàng và quân cảng này trở thành một pháo đài vô cùng lợi hại, khó công, dễ thủ. Tổng diện tích mặt nước vịnh Cam Ranh rộng 98 km2, nước sâu phổ biến ở mức 16-25m, nơi sâu nhất có thể lên đến 32m, cho phép đồng thời khoảng 40 tầu chiến cỡ lớn cùng neo đậu, kể cả tàu sân bay tạo nên một trong số rất ít cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới, đồng thời cũng có vị trí rất quan trọng về mặt quân sự. Nhiều nhà chiến lược phương Tây đã đánh giá Cam Ranh là một “pháo đài tự nhiên lý tưởng”, “một đồn phòng vệ của Thái Bình Dương”...

Trung tâm dịch vụ hậu cần

Vừa có lợi thế tự nhiên rất có lợi cho quân sự, quốc phòng lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên từ hàng trăm năm nay vịnh Cam Ranh luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng.

img

Một góc cảng Cam Ranh. Ảnh: M.K

Bắt đầu từ năm 1905, Nga hoàng, Pháp, Nhật Bản đã đua nhau chiếm Cam Ranh. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã chi tới hơn 300 triệu USD để mở rộng Cam Ranh. Từ năm 1979-2002, vịnh Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, đồng thời là vị trí tiền đồn để Liên Xô kiềm chế Trung Quốc và cạnh tranh với Mỹ.

img

Vịnh Cam Ranh được bao quanh bởi núi, đảo và bán đảo tạo thành một cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới.  Ảnh: M.K

Sau nhiều năm “tĩnh lặng” từ năm 2010 đến nay, Cam Ranh đã bắt đầu “nhộn nhịp” với định hướng biến nơi này thành một cảng biển cho phép tàu quân sự nước ngoài sử dụng có thu phí dịch vụ. Vịnh Cam Ranh, cách Trường Sa chỉ 600km nên dịch vụ hậu cần ở đây không chỉ với mục đích tìm kiếm lợi ích về kinh tế mà còn đáp ứng nhu cầu có mặt tại Biển Đông của tàu quân sự của nhiều cường quốc.

Từ năm 2011, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Căn cứ quân sự Cam Ranh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong 4-5 năm, có 11 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được thực hiện cùng hàng loạt các dự án vào nhiều năm tiếp theo nhằm hiện đại hóa Căn cứ quân sự Cam Ranh phục vụ quốc phòng và làm các dịch vụ cho tất cả các loại tàu quân sự, dân sự trên thế giới… 

Cảng Quốc tế Cam Ranh đã đi vào hoạt động ổn định với quy mô hiện đại 100 năm sau không lạc hậu, có thể đón tiếp các loại tàu quân sự, từ tàu chiến đến tàu ngầm, tàu sân bay và các loại khách quốc tế... để làm dịch vụ hàng hải, sửa chữa, bảo dưỡng Và sau khi hoàn thành tất cả các hạng mục, Cam Ranh này sẽ là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam với tải trọng tàu tối đa đến 110.000 DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem