Trước đó, khi có dấu hiệu tràn kè chắn sóng ở đập, UBND xã Đạo Trù đã chỉ đạo người dân dùng bao đất để ngăn tràn, nhưng chỉ 1 giờ sau đập đã vỡ cắt đôi thân đập dài khoảng 20m, cao hơn 3m.
Toàn cảnh vị trí đập Phân Lân 1 vỡ tan hoang.
Có mặt tại vị trí đập vỡ, chỉ cần nhìn bằng mắt thường và những người không có chuyên môn đều khẳng định chất lượng của đập quá kém. Cụ thể, cống thoát lũ quá nhỏ (đường kính khoảng 40cm), kết cấu vữa kém (không có bê tông), tràn đập quá hẹp… dẫn đến không thể tiêu thoát kịp lượng nước khi lũ về.
Về vấn đề này, ông Đoàn Huy Dũng – Trưởng ban quản lý dự án thuộc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện nay tất cả các đập thủy lợi trên địa bàn xã Đạo Trù đã được UBND xã ký hợp đồng cho các hộ dân thầu nuôi thủy sản dẫn đến việc quản lý đập rất khó khăn. Khi chúng tôi muốn hạ mực nước họ không cho hạ, hoặc khi muốn xả, họ lại không cho xả nên rất khó điều hành. Theo tôi cần nghiêm cấm không cho các hộ dân nuôi thủy sản trong hồ, hoặc phải ký cam kết thỏa thuận việc điều tiết nước”.
Ngoài ra, theo ông Dũng còn một nguyên nhân nữa là do Công ty Japfa dùng xe trọng tải lớn (3 chân) chở cám qua lại nhiều lẫn đã làm cho thân đập yếu. Ông Nguyễn Văn Độ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết:
“Đập Phân Lân được xây dựng và hoàn thành tháng 5.2011 với tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng, do Công ty QT Vĩnh Phúc thi công. Tháng 12.2012, Sở NNPTNT đã nghiệm thu chuẩn bị giao cho Công ty TNHH MTV Tam Đảo quản lý, khai thác thì UBND xã Đạo Trù thi công đường giao thông nội đồng làm vỡ một số đoạn kênh mương (thuộc dự án này), nên chưa bàn giao được và Sở đã giao cho Xí nghiệp Thủy lợi Vĩnh Thành khai thác tạm thời”.
Việt Tùng (Việt Tùng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.