Virus corona từng gây đại dịch 20.000 năm trước, để lại dấu ấn trong ADN người ngày nay

Đăng Nguyễn - New York Times Thứ sáu, ngày 25/06/2021 15:55 PM (GMT+7)
Các nhà nghiên cứu gần đây phát hiện bằng chứng đại dịch do virus corona gây ra từng xuất hiện ở Đông Á cách đây khoảng 20.000 năm, gây ra hệ quả lớn đến mức để lại dấu ấn trong ADN của con người ngày nay.
Bình luận 0

img

SARS-CoV-2 là virus corona mới nhất gây dịch Covid-19.

Nghiên cứu mới cho thấy, đại dịch cổ xưa do virus corona gây ra đã từng hoành hành trên Trái đất trong nhiều năm. Điều này có nghĩa rằng dịch Covid-19 nếu không sớm được kiểm soát thông qua tiêm chủng, cũng có khả năng gây ra tác động tương tự, theo New York Times.

“Phát hiện mới khiến chúng tôi thực sự lo ngại”, David Enard, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Arizona, Mỹ, tác giả nghiên cứu, nói. “Những gì đang xảy ra ngày nay có thể sẽ còn ảnh hướng đến nhiều thế hệ sau này”.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ về chủng virus corona. Trong 20 năm qua, 3 chủng virus corona đã lây lan sang người, tạo thành dịch Covid-19, SARS và MERS.

Bởi không quan sát được giai đoạn virus tiến hóa thành dạng lây nhiễm cho con người, các nhà khoa học chỉ có thể dựa vào các manh mối gián tiếp để ước đoán khi nào giai đoạn này xảy ra.

Trong 4 loại virus corona có thể lây sang người nhưng chỉ gây triệu chứng nhẹ, chủng HCoV-HKU1, được cho là đã tiến hóa tách khỏi chủng virus gốc vào những năm 1950. Chủng virus corona xa xưa nhất được ghi nhận là HCoV-NL63, xuất hiện từ cách đây 820 năm.

Trước giai đoạn trên, các nhà nghiên cứu gần như không biết gì về virus corona. Cho đến khi nghiên cứu của tiến sĩ Enard và các cộng sự được công bố gần đây.

Thay vì tập trung vào đặc tính di truyền của virus, các nhà nghiên cứu tìm hiểu về ảnh hưởng của virus corona đối với ADN của con người.

Qua nhiều thế hệ, các loại virus đã là tác nhân dẫn tới những thay đổi lớn trong bộ gene người. Các đột biến trong ADN giúp bảo vệ cơ thể chống lại virus, ví dụ như đột biến giúp hệ miễn dịch xé nhỏ protein của virus. Đột biến có lợi này sẽ được truyền sang thế hệ con cháu.

Khi một đột biến gene ngẫu nhiên xuất hiện, giúp tạo ra khả năng đề kháng virus, nó có thể nhanh chóng phổ biến trong các thế hệ tiếp theo. Các phiên bản phi đột biến dần sẽ trở thành thiểu số.

Trong những năm gần đây, tiến sĩ Enard và các cộng sự đã tìm kiếm những biến thể di truyền như vậy trong bộ gene người, nhằm phục dựng lịch sử tiến hóa chống lại các loại virus.

Tiến sĩ Enard nói các loại virus corona cổ đại cũng để lại dấu ấn riêng biệt của chúng trong bộ gene người.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh ADN của hàng nghìn người sống tại 26 cộng đồng dân cư khắp thế giới, xem xét sự kết hợp của các gene đã được biết là đặc trưng của virus corona, mà không có trên các loại virus khác.

Phân tích mẫu ADN của  các cộng đồng dân cư ở Đông Á, các nhà khoa học tìm thấy 42 gene vượt trội. Đây được coi là tín hiệu rõ ràng cho thấy cộng đồng người Đông Á từng tiến hóa để thích nghi với một chủng virus corona cổ đại.

Nhưng chủng virus corona cổ đại gây đại dịch dường như chỉ dừng lại ở Đông Á, mà không xuất hiện ở các khu vực khác. "Khi so sánh với người dân sống ở khu vực khác trên thế giới, chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu tương tự", Yassine Souilmi, chuyên gia từ Đại học Adelaide, đồng tác giả của nghiên cứu, nói.

Các nhà khoa học sau đó tìm cách ước lượng khoảng thời gian dịch bệnh bắt đầu, bằng cách đánh giá các đột biến vô hại trong 42 gene này.

Nhóm nghiên cứu phát hiện tất cả 42 gene có số lượng đột biến khá tương đồng. "Điều này cho thấy chúng không ngẫu nhiên xuất hiện", tiến sĩ Enard nói, cho biết dịch bệnh đã khiến các đột biến gene trênxuất hiện.

Các nhà khoa học ước lượng rằng, các đột biến kháng virus corona xuất hiện trên gene người vào khoảng từ 20.000-25.000 năm trước, trong quá trình hình thành kéo dài vài trăm năm.

Phát hiện khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ, vì ở thời điểm đó, người dân Đông Á chưa sống thành các cộng đồng đông đúc, chủ yếu sống theo các nhóm nhỏ. 

Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tìm hiểu thêm về 42 gene từng ngăn ngừa virus corona cổ đại, từ đó tìm thêm các phương thuốc đối phó với virus SARS-CoV-2 đang lây lan hiện nay.

Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Current Biology hôm 24.6.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem