Nhiều tiền, tăng bạo lực
|
Các trọng tài sẽ mạnh dạn dùng thẻ để ngăn chặn bạo lực. |
Số liệu thống kê từ BTC V.League cho thấy tình trạng thẻ phạt gia tăng đáng báo động. Nếu như V.League 2007, có tổng số 586 thẻ vàng (trung bình 3,21 thẻ/trận) và 26 thẻ đỏ (0,14 thẻ/trận), thì tới V.League 2008 là 756 thẻ vàng (4,1 thẻ/trận), 38 thẻ đỏ (0,2 thẻ/trận). Con số đó tiếp tục tăng ở V.League 2009 (845 thẻ vàng, 52 thẻ đỏ), V.League 2010 (820 thẻ vàng, 44 thẻ đỏ). Theo Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi, đáng ra số thẻ còn lớn hơn nếu các trọng tài quyết liệt với các hành vi bạo lực trên sân.
Điểm đáng lưu ý là số thẻ phạt tăng tỷ lệ thuận với số tiền mà các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá trong những năm qua. Tuyển thủ quốc gia, U23 quốc gia nào cũng muốn khẳng định giá trị cho tương xứng với khoản tiền tỷ chuyển nhượng, mức lương 30-40 triệu đồng/tháng, cộng với hàng trăm triệu đồng tiền thưởng cho 1 trận thắng từ các ông bầu.
Cái khó là mặt bằng thu nhập của cầu thủ ở V.League chênh lệch nhau rất nhiều, còn khả năng chuyên môn lại chẳng khác nhau bao nhiêu. Hiện tượng "gà tức nhau tiếng gáy" xảy ra khá phổ biến. Cứ chứng kiến đội hạng Nhất Hà Nội ACB của bầu Kiên nổi tiếng keo kiệt, đá "chết bỏ" để hạ gục “gã nhà giàu” Hà Nội T&T ở trận ra quân Cúp Quốc gia 2010 là hiểu. Một minh chứng khác là SLNA buộc đội khách SHB Đà Nẵng chấp nhận thua trắng 0-5 ở V.League 2010, còn hơn cố đá để... gãy chân.
Cứ theo luật mà làm
Ngoài sức ép thành tích, chính cách hành xử nhân nhượng của các trọng tài, cộng với khả năng hiểu biết luật của HLV, cầu thủ còn hạn chế, là một trong những nguyên nhân đặc biệt dẫn tới nguy cơ đổ vỡ trận đấu gắn với những "cái đầu nóng".
Và cách ứng xử trên sân chính là chủ đề trọng điểm được bàn tới trong chương trình tập huấn giám sát, trọng tài, trợ lý trọng tài đang diễn ra tại Đà Nẵng. "Chúng tôi đã khuyến cáo các trọng tài phải áp dụng luật thật tốt, mạnh dạn dùng thẻ, thậm chí là 3-4 thẻ đỏ đối với 1 đội bóng (nếu cần) để ngăn chặn bạo lực trên sân. Trọng tài không được đôi co, giải thích gì với cầu thủ, mà chỉ dùng còi và ký hiệu để điều khiển trận đấu" - ông Nguyễn Văn Mùi cho biết.
Nét mới của mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên sau 10 năm thử nghiệm, là Hội đồng Trọng tài quốc gia sẽ cử 4 đoàn cán bộ do các giảng viên cấp cao Nguyễn Văn Mùi, Đoàn Phú Tấn, Dương Văn Hiền, Đặng Thanh Hạ phụ trách, đi tới tất cả 14 CLB V.League để nói chuyện về luật đối với các HLV, cầu thủ. Với động thái này, Hội đồng Trọng tài hy vọng khi đã thực sự hiểu luật, những người trong cuộc sẽ biết tôn trọng luật chơi để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.