Tôn trọng “thượng đế”
Nhìn lại những tháng cuối năm, lãnh đạo VFF, VPF hẳn rất mừng khi chứng kiến các khán đài sân Mỹ Đình, Cần Thơ với sức chứa tối đa 4 vạn chỗ, có thời điểm đã phải oằn mình chịu sức nặng của khoảng 5 vạn người. Những tín hiệu lạc quan thì ai cũng thấy, nhưng đằng sau đó là rất nhiều bất cập về công tác tổ chức.
Nỗi buồn của CĐV Việt Nam khi chứng kiến đội nhà thua Malaysia ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014. Ảnh: Minh Hoàng
Theo ghi nhận của người viết, tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn thường xảy ra trong những trận cầu “nóng”. Việc người không có vé vẫn vào được sân vẫn xảy ra. Buồn nhất là hiện tượng nhiều cổ động viên (CĐV) chấp nhận bỏ tiền triệu ra mua vé chợ đen, nhưng không thể vào sân đúng giờ do công tác kiểm soát quá nhiêu khê. Chưa hết, các dịch vụ trên sân thì đều “phục vụ” với giá “cắt cổ”. Với những điều như vậy, làm sao các CĐV cảm thấy được tôn trọng?!
Đặt câu hỏi về vấn đề này với ông Trần Song Hải - Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam thì được nghe một câu chuyện: “Cuối tuần qua, tôi may mắn có mặt tại Italia chứng kiến trận đấu đỉnh cao giữa Roma-AC Milan. Người hâm mộ tới sân có cảm giác được đi dự một lễ hội chứ không đơn thuần là một trận bóng đá. Họ được tham gia các hoạt động bên lề, quảng cáo của nhà tài trợ, có khu nghỉ ngơi, ăn uống, hút thuốc… riêng, yên tâm cho trẻ nhỏ tới sân. Các công trình công cộng đều tương đương tiêu chuẩn khách sạn 5 sao. Ở ghế ngồi của CĐV có báo, bản phân tích thông số, chuyên môn của từng cầu thủ 2 đội. Việc so sánh bóng đá Italia với bóng đá Việt Nam (BĐVN) đương nhiên quá khập khiễng. Nhưng tôi nghĩ, nếu BĐVN làm được một phần như họ, thì đã thu hút được rất nhiều CĐV tới sân rồi”.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Về phía các CLB, ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA nói: “Từ lâu, SLNA luôn làm tốt công tác đào tạo trẻ và xây dựng đội bóng toàn cầu thủ xứ Nghệ nên thu hút được nhiều CĐV tới sân. Đây là điểm “may mắn” hơn của SLNA so với nhiều đội bóng khác. Nhưng cùng với đó, chúng tôi vẫn đẩy mạnh tuyên truyền. Trước các trận đấu, đều có băng-rôn quảng cáo không chỉ ở Vinh, mà còn ở các huyện có phát triển bóng đá, để người dân biết, đi cổ vũ. Hàng năm, các công trình công cộng, ghế ngồi cũng được tu sửa, làm vệ sinh sạch sẽ, giúp người hâm mộ thoải mái khi tới sân. Công tác an ninh cũng được họp bàn, rút kinh nghiệm đề cao, đảm bảo an toàn tối đa”.
Ông Thanh cho rằng, muốn V.League có đông khán giả, giới truyền thông cũng phải chung sức: “Nếu đến cả báo chí mà cứ đặt ra những dấu hỏi về tiêu cực thiếu cơ sở, thì hỏi tại sao người hâm mộ lại chẳng một mất mười ngờ?”.
Chia sẻ với ý kiến của ông Thanh, CĐV Mạnh “béo” bộc bạch: “Những năm qua, các đội tuyển Việt Nam đã để lại những cấn cá trong lòng các CĐV. Vì mất niềm tin nên họ không tới sân thôi. Mong rằng các cầu thủ hãy nhận thức rõ trách nhiệm nghề nghiệp. Phải tập luyện, thi đấu thực chuyên nghiệp, kiềm chế những thú vui hậu trường để ra sân cống hiến với thể trạng, tinh thần tốt nhất. Như vậy, dần dần, người hâm mộ mới trở lại.
Theo VPF, trong mùa giải 2015 sẽ có những chế tài đặc biệt để các CĐV tới sân cảm thấy được tôn trọng. Cụ thể, cầu thủ cởi áo trên đường piste, khu kỹ thuật sẽ bị phạt tiền. CLB cũng sẽ bị phạt tiền nếu không thu dọn rác ở khu vực kỹ thuật sau trận đấu. Cấm quan chức, huấn luyện viên hút thuốc trong sân; yêu cầu các sân thiết lập những khu hút thuốc riêng, khuyến cáo khán giả không hút thuốc lá trên khán đài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.