V.League “nặng mùi” tiêu cực vì VFF, VPF “vẽ đường cho hươu chạy”

Nhật Trường Thứ bảy, ngày 05/09/2015 15:00 PM (GMT+7)
Hành động “bức tử” Ban tư vấn đạo đức VPF cùng việc đặt ra câu hỏi cắc cớ: “Bằng chứng đâu” xoay quanh những trận đấu bị nghi ngờ khiến VFF, VPF hoàn toàn bất lực trong việc chống tiêu cực ở V.League.
Bình luận 0

Bóng đá ân tình, nhường điểm hay những trận đấu có mùi tiêu cực là những điều mà các chuyên gia am hiểu bóng đá Việt Nam đều phải thừa nhận vẫn đang tồn tại ở V.League. Tuy nhiên, để tìm ra bằng chứng thì chỉ có.... bắc thang lên hỏi ông trời. Muốn hạn chế thứ bóng đá tiêu cực, BTC giải cũng như VFF phải mạnh tay phạt nặng những trận cầu bất thường. Với những người làm chuyên môn, thì dù không có bằng chứng nhưng nhìn vào cái cách nó diễn ra “nặng mùi” là họ sẽ biết ngay trận đấu đó có vấn đề gì hay không.

img

SLNA bị nghi ngờ "thả điểm" cho HAGL. Ảnh: Thanh Niên.

Trong quá khứ, BTC V.League đã từng áp dụng những biện pháp xử phạt mà không cần bằng chứng. Đầu tiên là ở mùa giải 2001 khi Công An Hà Nội bị trừ 1 điểm và phạt 50 triệu đồng vì nhường điểm để “cứu” Thừa Thiên Huế. Sau đó mùa giải 2003, Thể Công để thua kỳ lạ trước đội chót bảng Cảng Sài Gòn nên đã bị trừ 3 điểm và phạt 50 triệu đồng. Đến mùa giải 2008, SLNA “nằm” để cho Hà Nội ACB thắng 4-2 gây bức xúc dư luận và VFF đã treo giò 4 cầu thủ SLNA đến hết giải, đồng thời phạt mỗi người 15 triệu đồng.

Lần gần nhất một đội bóng thi đấu tiêu cực bị phạt mà không cần bằng chứng là ở mùa giải 2013, nhưng khi ấy nó diễn ra dưới áp lực của Ban tư vấn đạo đức VPF. Đó là trận đấu mà Sài Gòn.XT để thua kỳ lạ trước đội bóng trong nhóm cuối bảng K.Kiên Giang. Đáng chú ý, kể từ khi được thành lập vào đầu năm 2013, Ban tư vấn đạo đức VPF cũng đã rất nhiều lần chỉ ra những trận đấu có mùi của Sài Gòn.XT, thế nhưng vì lý do nào đó mà nó đều bị ngó lơ. Phải sau trận thua tai tiếng kể trên của Sài Gòn.XT thì Ban kỷ luật VFF mới mạnh tay (trừ 4 điểm).

Sau đó Sài Gòn.XT cho rằng mình bị phạt oan nên đã giận dỗi và quyết định giải thể. Tuy nhiên, những người trong làng đều hiểu rằng, lãnh đạo đội bóng này lấy cái cớ để “bỏ của chạy lấy người” vì đó là giai đoạn khủng hoảng kinh tế và cả chục đội bóng Việt Nam giải thể trong thời gian ngắn. Nhưng việc 1 đội bóng nghỉ chơi giữa giải như thế để lại nhiều hậu quả và khiến giải đấu không “kết thúc tốt đẹp” như mong muốn trong tổng kết hàng năm của VFF cũng như đơn vị tổ chức giải VPF.

Chẳng vì thế mà ở lễ tổng kết mùa giải 2013, phó chủ tịch tài chính VFF Lê Hùng Dũng (giờ là chủ tịch VFF) lại trách Ban tư vấn đạo đức VPF đã ép Ban kỷ luật VFF trừ điểm Sài Gòn.XT mà không có bằng chứng khiến bóng đá Việt Nam mất đi một đội bóng. Khi đó, Phó Ban tư vấn đạo đức VPF Nguyễn Văn Vinh cũng phản pháo lại: “Ban kỷ luật làm việc dựa trên căn cứ, luật lệ, chứ có phải là trẻ con đâu mà có thể để chúng tôi ép buộc dễ dàng. Không chỉ trận đấu này, một vài trận đấu khác trong mùa giải năm nay Sài Gòn.XT cũng thi đấu rất lạ, khiến dư luận bức xúc, phản ứng. Chẳng nhẽ chúng ta cứ im lặng mãi sao?”.

Chính thái độ của lãnh đạo VFF rồi sự thờ ơ của VPF đã “bức tử” Ban tư vấn đạo đức VPF sau đó. Còn BTC giải thì với tâm lý sợ đụng chạm đến các đội bóng nên cứ dĩ hòa vi quý, làm ngơ hết trước những trận đấu “có mùi”. Thậm chí, trước nhiều trận đấu bị dư luận lên tiếng khi mà sự việc chưa được xác định rõ ràng thì các lãnh đạo VPF lại rất nhanh nhảu tuyên bố: “Không có dấu hiệu tiêu cực”. Như thể BTC giải có nhiệm vụ bảo vệ các đội bóng bị dư luận nghi ngờ hơn là làm rõ vấn đề để giải đấu trong sạch hơn. Để rồi cuối mùa giải 2015, hàng loạt trận đấu “có mùi” diễn ra khiến niềm tin của người hâm mộ cạn kiệt, trong khi BTC giải vẫn làm ngơ để chờ đến hết giải phát biểu câu nói kinh điển: “Giải đấu thành công tốt đẹp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem