Vợ chồng "chiến tranh lạnh" vì... con vào lớp 1

Tùng Anh Thứ năm, ngày 27/04/2017 06:20 AM (GMT+7)
Còn mấy tháng nữa mới đến mùa tuyển sinh đầu cấp, nhưng thời điểm này áp lực tìm trường, nhập học cho con đã khiến cho không ít gia đình phải căng thẳng, điên đầu.
Bình luận 0

Gần 2 tháng nay, chuyện quyết định cho con học trường nào đã khiến cho gia đình chị Nguyễn Hương Trà (Đan Phượng – Hà Nội) lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng. Chị Trà cho biết, chồng chị muốn con trai được học ở một ngôi trường song ngữ tại quận Cầu Giấy, trong khi chị lại chỉ muốn con học ở trường làng cách nhà vài bước chân để dễ đưa đón.

“Lý do chồng đưa ra là phải đầu tư cho con ngay từ đầu, có như vậy con mới có sức bật để phát triển sau này. Học trường làng, chất lượng không ra gì, con sẽ không phát triển được” – chị Trà nói.

Theo chị Trà, trường song ngữ cách nhà những 14 – 15 km, mặc dù có xe đưa đón học sinh ở điểm chờ cách nhà vài km nhưng con đi – về cũng mất cả tiếng đồng hồ không kể tắc đường. Ngoài ra, chị Trà cho rằng, ngoài việc học hàng ngày còn họp phụ huynh, các hoạt động dã ngoại, sinh hoạt trường, lớp... bố mẹ không thể lúc nào cũng chủ động đưa đón con được. Không kể học phí trường song ngữ gấp 2, gấp 3 trường làng.

Mặc dù đã phân tích đủ lý, đủ tình, thậm chí kêu gọi cả ông bà nội cùng “vận động” nhưng chồng chị Trà vẫn kiên quyết muốn đầu tư cho con học trong nội thành. Quá mệt mỏi, chị Trà tuyên bố sẽ không tham gia vào việc đưa đón con sau này, mặc anh tự xoay xở.

img

Chuyên gia tâm lý khuyên nên chọn trường cho con ở gần nhà (Ảnh minh hoạ: IT)

Cũng vì không thống nhất việc chọn trường cho con, gần tháng nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường (Hoàng Mai – Hà Nội) đã... mỗi người một niêu, mỗi người một giường. Anh Cường cho biết, con trai anh khá hiếu động, thiếu tập trung nên anh muốn cho con học tại một trường dân lập có tiếng, sĩ số ít để được cô giáo quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, vợ anh lại không nghĩ thế. Chị cho rằng, học trường công lập “chuẩn” chương trình của Bộ GDĐT hơn, học phí thấp, lại không phải lo đưa đón vì gần nhà.

“Trường công lập ở khu chung cư này đã quá tải rồi. Mỗi lớp sĩ số lên đến 60 – 65 học sinh. Không đủ lớp, học sinh còn phải học cả thứ 7, Chủ nhật và nghỉ vào các ngày giữa tuần, thế thì làm sao bố mẹ đưa đón được” – anh Cường phản ánh.

Không đồng nhất quan điểm, cứ nói đến việc con đi học là hai anh chị lại cãi nhau. Lời qua tiếng lại, vợ trách anh sĩ diện, chạy theo “mác” trường nổi tiếng, không nghĩ đến kinh tế gia đình khi hai vợ chồng vẫn còng lưng trả nợ ngân hàng mỗi tháng vì mua nhà. Anh thì trách chị bảo thủ, không nghĩ cho con, thiếu hiểu biết. Giận chồng, chị tuyên bố ăn riêng, ngủ riêng, chỉ khi nào anh đồng ý cho con học trường công chị mới... đình chiến (?!)

Chuyện chọn trường cho con, mùa tuyển sinh nào cũng “nóng” ở các gia đình bắt đầu có con vào lớp 1. Tuy nhiên, theo những giáo viên có kinh nghiệm, nếu phụ huynh hiểu được những nguyên tắc cơ bản, cần thiết được ưu tiên khi chọn trường cho con thì việc quyết định sẽ rất đơn giản.

Cô Đỗ Thu Hà – giáo viên tiểu học tại Vinh (Nghệ An) cho rằng, 3 tiêu chí con cần có khi vào môi trường mới đó là con có thích trường đó không? Trường đó có gần nhà không? Có an toàn không?

“Ưu tiên đầu tiên là trường gần nhà, chỉ có gần nhà phụ huynh sẽ không bị áp lực đưa đón, con cái không bị áp lực đi lại. Thay vì 16h30 con tan học mà mãi 1 tiếng sau con mới về được đến nhà thì ở trường gần chỉ cần 10 – 15 phút. Thời gian còn lại con được vui chơi, giúp đỡ bỗ mẹ, vệ sinh cá nhân... trẻ sẽ không bị căng thẳng” – cô Hà nói.

Còn cô Nguyễn Thị Phương Thảo – giáo viên tiểu học tại Gia Lâm (Hà Nội) thì cho rằng, bố mẹ chỉ nên chọn trường cho con phù hợp với kinh tế gia đình: “Vì muốn con học trường song ngữ, quốc tế mà bố mẹ phải cố quá với sức của mình vô tình sẽ gây nên áp lực cho trẻ. Việc học là một hành trình dài và bền bỉ không phải chỉ 1 hay 2 năm. Thời điểm này bố mẹ có thể cố được nhưng sau đó bị “đuối” con phải chuyển trường, thay đổi môi trường giáo dục sẽ vô cùng bất lợi cho trẻ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem