Vì mưu sinh, những bà vợ ngư phủ trên đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thêm một nghề mà trước nay vẫn được cho là nghề của cánh mày râu, đó là chạy xe ôm. Ngoài những cuốc xe đón khách mỗi khi tàu cập đảo, thời gian còn lại họ tranh thủ vá lưới, trồng hành, tỏi…
Ở đảo Bé (xã đảo An Bình), cánh đàn ông ra biển đánh bắt hải sản, phần đông phụ nữ ở nhà trồng hành, tỏi, lo cơm nước, sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Thế nhưng nhiều chị em lại không muốn làm “vọng phu” sáng chiều ngồi ở bờ biển chờ chồng, con của mình trở về, mà họ năng động chọn cho mình thêm một việc để làm, đó là nghề chạy xe ôm.
Chiếc ca nô cập cảng, tôi vừa bước lên bờ đã nghe những giọng nữ vang lên “chú, đi xe ôm không?”... Trước mặt tôi là những phụ nữ mặt bịt kín chỉ để lộ ra đôi mắt. Thấy tôi ngỡ ngàng, chị Nguyễn Thị Lành, 40 tuổi, một nữ tài xế xe ôm trên đảo Bé, giải thích: “Do huyện có chủ trương cấm xe điện lưu thông nên chị em mới đầu tư xe máy để chở khách. Ngoài trồng hành, tỏi và đi biển thì người dân ở đây chỉ sống nhờ vào du lịch. Tuy có vất vả đôi chút nhưng ai nấy đều thấy vui vì có thêm thu nhập”.
Lân la hỏi chuyện mới hay, ở đây có cả một đội xe ôm lên đến gần 60 người, trong đó hầu hết là nữ. Người ở xã đảo thường ví von rằng đó là “Tổ xe ôm đặc biệt”. Chị em đều đã trên 30 tuổi và ai cũng có thâm niên chạy xe trên 5 năm. Họ kết nối lại với nhau để cùng làm kinh tế bằng nghề lái xe ôm chở khách đi tham quan quanh đảo nhỏ.
Theo các chị, đây là nghề khá phù hợp với lao động nhàn rỗi, bởi nó không quá nặng nhọc, lại có thể kiếm thêm thu nhập. Do đặc thù là xứ đảo, những nữ tài xế này chủ yếu đón khách vào những giờ ca nô cập bến, thời gian còn lại họ có thể tranh thủ làm thêm công việc khác.
Nữ tài xế Nguyễn Thị Nhung, 38 tuổi, trú xã đảo Bé, cho biết chồng chị quanh năm lênh đênh trên biển. Nay cá tôm ngoài khơi cũng ít dần, thu nhập không ổn định. Sẵn biết chạy xe, nhà có xe máy nên chị bàn với chồng xin vào Tổ xe ôm, để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình…
“Nghề chạy xe ôm ở đây khỏe lắm, mình chỉ cần xuống bến tàu đón khách từ đảo Lớn ra theo thời gian cố định. Đảo Bé có diện tích nhỏ nên công việc chạy xe khá an toàn, không có gì phức tạp với chị em. Và cũng nhờ công việc này mà cuộc sống gia đình đỡ hơn trước nhiều”, chị Nhung nói.
Chị Nhung kể về những tình huống “nhớ đời” xảy ra khi chở khách. “Có một lần tôi chở ông Tây to gấp mấy lần mình. Khi chạy lên con dốc, thì xe… “chổng vó” lên trời. Ông Tây nhanh chóng lồm cồm bò dậy, hối hả bế tôi vào lề đường rồi hỏi han, như cảnh tôi bế con ở nhà làm tôi mắc cỡ muốn chết”, chị Nhung kể.
Nghề chạy xe ôm dường như đã kéo phụ nữ đảo Bé An Bình lại gần nhau hơn. Tiếp xúc với chị em chạy xe ôm ở đây luôn bắt gặp không khí rộn rã, tươi vui và đoàn kết, cảnh vốn ít gặp ở những nơi khác. “Mỗi ngày tôi kiếm được từ 100 - 200 ngàn đồng. Với điều kiện ở đảo, đó là khoản thu nhập rất quý, đủ để trang trải chi tiêu trong gia đình và nuôi con cái ăn học đàng hoàng”, chị Nguyễn Thị Lành bộc bạch.
Kiêm hướng dẫn viên du lịch
Nghề chạy xe ôm xuất hiện kể từ khi khách du lịch tìm đến đảo Bé. Tuy nhiên, ban đầu hoạt động theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm nên xảy ra tình trạng chèo kéo, tranh giành khách khiến du khách có cái nhìn thiếu thiện cảm.
“Ngoài việc chạy xe ôm chở khách, chúng tôi ý thức được việc phải tự thân trau dồi khả năng giao tiếp, cũng như tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về mảnh đất nơi mình sinh sống như văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh… để có thể tự tin làm hướng dẫn viên khi khách có nhu cầu. Đặc biệt, các chị em trong tổ còn đang tự học cả tiếng Anh để có thể nói chuyện được với khách nước ngoài”.
Chị Phạm Thị Kiều, tổ phó tổ xe ôm
Huyện Lý Sơn sau đó tập hợp những hộ dân cùng nghề lại với nhau, thống nhất lập ra Tổ xe ôm. Ban đầu chỉ có khoảng hơn chục người tham gia, nhưng sau vài tháng số thành viên không ngừng tăng lên gần 60 người và dần đi vào ổn định.
Chị Phạm Thị Kiều, Tổ phó Tổ xe ôm, cho biết các thành viên trong tổ chẳng phân biệt đàn ông, đàn bà, miễn thấy đủ sức khỏe là làm. “Tổ có ghi lại đầy đủ danh sách thành viên. Mỗi xe đều có dán số thứ tự, cứ theo lượt mà đi tour. Hôm nay chị này chở thì hôm sau chị khác chở, thay phiên nhau như vậy cho công bằng. Số tiền kiếm được từ mỗi chuyến xe ôm sẽ được giao nộp lại cho Tổ quản lý, cuối ngày sẽ chia đều ra cho các chị em”, chị Kiều cho biết.
Nguyễn Thị Thùy Trang, du khách đến từ Quảng Trị, lần đầu tiên đi xe ôm nữ. “Em không nghĩ họ có thể lái xe máy giỏi đến vậy. Ngồi sau lưng tài xế là phụ nữ, em thấy gần gũi hơn và dễ dàng trò chuyện với nhau”, Trang nói.
Những nữ tài xe ôm ở đảo Bé không xô bồ, tranh giành khách, mà tỏ ra thân thiện, gần gũi, và không bao giờ “hét” giá. Lúc chở khách, họ trở thành những hướng dẫn viên, kể về cuộc sống, sinh hoạt, về những cảnh đẹp, chuyện lạ trên đảo.
Bận rộn nhất với chị em là những dịp lễ, trước tết và ra tết. Những dịp như vậy, sau mỗi ngày chạy xe, hầu hết chị em trong tổ đều mệt rã rời, nhiều chị còn khản cả giọng do sắm luôn vai hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ”! “Cực mà vui, thậm chí nhiều người khách khi gặp lại, do quý mến mình nên còn tặng mình cả quà từ đất liền”, chị Kiều kể.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, sở dĩ huyện cho tạm dừng dịch vụ chở khách bằng xe điện là do các phương tiện này không đủ điều kiện để lưu hành. Trong thời gian ngắn Tổ xe ôm đã phát huy được hiệu quả trong việc đảm bảo trật tự, nề nếp, đồng thời tăng cường sự đoàn kết, sẻ chia, cùng giúp đỡ nhau giữa các hộ dân.
“Huyện chỉ đạo Tổ xe ôm cân nhắc vị trí đậu, đỗ xe máy cho phù hợp tại khu vực cầu cảng trong thời gian tới và trang bị thêm đồng phục cho các thành viên để tạo ra sự thân thiện, với mong muốn vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, ông Ninh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.