Hết oan nhưng vẫn bị ràng buộc
Trước đó, Hội đồng tái thẩm - TAND Tối cao đã quyết định hủy 2 bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và phúc thẩm của TAND Tối cao.
Hai bản án này đã buộc ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, (Việt Yên, Bắc Giang) tù chung thân về “Tội giết người”.
Sau đó đến ngày 25.1.2014, ông Nguyễn Thanh Chấn được cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra quyết định đình chỉ bị can và ông chính thức trở thành người vô tội.
Thế nhưng về thủ tục pháp lý ông Chấn vẫn đang bị một bản án dân sự khác ràng buộc. Bản án này tuyên ông Chấn phải có trách nhiệm chu cấp nuôi con của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan đến năm 18 tuổi.
Bản án sơ thẩm xử ông Chấn, TAND tỉnh Bắc Giang ngoài việc tuyên phạt ông Chấn tù chung thân còn tuyên ông Chấn phải chu cấp nuôi dưỡng con của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan đến khi đủ 18 tuổi.
Tại bản phúc thẩm, chủ tọa Phạm Tuấn Chiêm đã tuyên hủy phần cấp dưỡng của Nguyễn Thanh Chấn đối với cháu Nguyễn Văn Đức - con trai của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan. Lý do là tại thời điểm đó chưa xác định được ngày sinh, tháng sinh của cháu Nguyễn Văn Đức. Chính vì thế phần dân sự đã bị chuyển sang xử ở vụ án khác.
Ngày 30.9.2004, ông Nguyễn Thanh Chấn phải tiếp tục ra tòa tại một phiên xử dân sự. Trên cơ sở kết quả của bản hình sự tuyên ông Chấn tội “Giết người”, Tòa dân sự sơ thẩm đã buộc ông phải có trách nhiệm chu cấp nuôi dưỡng cháu Nguyễn Văn Đức, ông Chấn đã có đơn kháng cáo vì lý do mình không giết người, nên không có trách nhiệm gì với con nạn nhân. Tiếp đó phiên tòa phúc thẩm dân sự vào tháng 3.2005, đã bác kháng cáo của ông Chấn, tuyên y án sơ thẩm.
Cần có tòa tái thẩm để hủy án dân sự
Lý giải về việc tại sao Hội đồng tái thẩm của TAND Tối cao đã tuyên hủy 2 bản án hình sự với ông Chấn, trong khi bản án dân sự này cũng liên quan trong vụ việc không bị tuyên hủy, các luật sư đoàn luật sư Hà Nội có chung quan điểm: Do phần dân sự trong vụ án đã bị tách giải quyết sang vụ án khác nên khi tái thẩm bản án hình sự, phần dân sự này đã không được xem xét. Theo phân tích của LS Trịnh Anh Dũng (đoàn luật sư TP.Hà Nội): Bản án, quyết định hình sự mà toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án dân sự đã bị huỷ bỏ thì đó là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Hai bản án tuyên ông Chấn phạm tội đã bị hủy đó là tình tiết mới của vụ án dân sự. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị. Trong trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện Kiểm sát, toà án phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị.
Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao. Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện.
Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.
Từ những phân tích trên, LS Dũng cho rằng cần phải có phiên tòa tái thẩm để hủy bản án dân sự đã tuyên với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.