Những tín hiệu tích cực
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), trong tháng 10, cả nước phát hiện 932 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 136 vụ (tương ứng giảm 13%) so với tháng 10.2017; diện tích rừng bị thiệt hại 30 ha (trong đó, thiệt hại do phá rừng là 29ha, cháy rừng là 1ha), giảm 3ha (tương ứng giảm 9%) so với tháng 10.2017.
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang có cơ hội mở rộng thị trường vào EU. Ảnh: T.L
Giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. |
Lũy kế 10 tháng năm 2018, cả nước đã phát hiện 10.728 vụ, giảm 3.658 vụ (tương đương 25%) so với cùng kỳ năm 2017; diện tích rừng bị thiệt hại 10 tháng năm 2018 là 461ha, giảm 476ha.
Về phát triển rừng, lũy kế đến ngày 24.10.2018, cả nước đã trồng được 186.834ha rừng, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc trong tháng 10 khoảng 22.000ha, tương ứng sản lượng 1,63 triệu m3. Tính đến 23.10.2018 cả nước đã thu được 2.557 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 109% kế hoạch năm 2018 và 161% so với cùng kỳ năm 2017.
Một con số vô cùng ấn tượng là, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%.
Xuất khẩu gỗ đặt mục tiêu 20 tỷ USD
Trong một cuộc họp lần đầu tiên với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong 10 năm tới, Việt Nam phải trở thành trung tâm sản xuất kinh doanh các sản phẩm gỗ có thương hiệu trên thế giới, xuất khẩu các sản phẩm gỗ phải đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu một điểm nhấn ấn tượng của ngành gỗ, đó là thay vì phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì hiện nay, lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước đạt 25 triệu mét khối, đáp ứng đến 75% nhu cầu, điều này giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, trong khi đời sống của người trồng rừng cũng được cải thiện.
Dù vậy, những hạn chế của ngành gỗ vẫn đang khiến nhiều tiềm năng đang bị lãng phí. Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thừa nhận một thực tế, tình trạng xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm thô vẫn còn nhiều. Đó là chưa kể tình trạng bán “rừng non” vẫn phổ biến do người trồng rừng chưa có đủ tiềm lực kinh tế. Theo các chuyên gia về rừng, độ tuổi đẹp nhất để khai thác là khi rừng được 10 năm tuổi, nhưng phần lớn người trồng rừng ở Việt Nam khai thác khi cây mới được 5 – 6 tuổi khiến giá trị kinh tế giảm đi nhiều lần.
Chính vì vậy, để đảm bảo phát triển rừng bền vững, việc liên kết với các doanh nghiệp là một đòi hỏi tất yếu. Đơn cử như Công ty Scansia Pacific, doanh nghiệp này đã liên kết với nông dân trồng rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC). Theo đó, doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ đúng tuổi với giá cao hơn giá thị trường 20%; trong giai đoạn rừng từ 5 - 10 tuổi hướng dẫn nông dân tỉa thưa để bán dăm, hỗ trợ cho nông dân vay vốn 4 triệu đồng/ha/năm để đảm bảo sản xuất.
Nhận định những tiềm năng lớn lao của ngành gỗ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương phải coi lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị; vừa thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng tự nhiên vừa đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đang rất nỗ lực triển khai các biện pháp để quản lý tốt nguồn nguyên liệu gỗ, kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp. Quyết tâm ấy được thể hiện bằng việc Việt Nam và EU vừa ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sau quá trình đàm phán 6 năm bền bỉ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cho rằng, bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường, kinh tế và xã hội gắn với việc quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam tốt hơn, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của quy chế gỗ của EU, ngăn chặn việc đưa gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. Cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và thị trường EU vẫn phải tuân thủ các yêu cầu của quy chế gỗ của EU. Điều này có nghĩa các nhà nhập khẩu của EU sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo rủi ro về sản phẩm bất hợp pháp từ Việt Nam vào thị trường liên minh là không đáng kể.
Nhiều ý kiến đánh giá, với VPA/FLEGT, cơ hội để sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và nhiều thị trường khó tính khác sẽ còn rộng mở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.