Vovinam bỏ vàng SEA Games để lo quảng bá

Thứ ba, ngày 01/11/2011 05:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không phải những tấm huy chương mà việc quảng bá tinh hoa võ thuật Việt Nam mới là điều “khó” nhất với các võ sĩ Vovinam Việt Nam tại SEA Games 26.
Bình luận 0

Lùi để tiến

Không phải ngẫu nhiên mà tại SEA Games 2011, chỉ có 4 nước tham dự môn Vovinam là Lào, Campuchia, Việt Nam và chủ nhà Indonesia. Nước chủ nhà SEA Games 2013 là Myanmar cũng đã có ý định tham dự môn võ được coi là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam nhưng cuối cùng đành lỡ hẹn vì chưa chuẩn bị kịp lực lượng.

img
Các võ sĩ Vovinam VN có nhiệm vụ quảng bá tinh hoa võ thuật VN tại SEA Games 2011.

Vấn đề không ít người lo ngại là không chỉ ở SEA Games, mà ngay tại những đấu trường lớn hơn, việc “chia sẻ” huy chương vẫn tồn tại, đặc biệt khi một quốc gia nào đó muốn quảng bá “món tủ” của mình. Nhật Bản trong nhiều năm đã phải “nhường” cho các nước khác những tấm HCV môn Karatedo tại ASIAD hoặc giải Vô địch Karatedo thế giới.

Chính sự “nhường nhịn” ấy đã khiến Ủy ban Olympic quốc tế quyết định đưa môn này vào thi đấu chính thức từ Olympic 2016. Để Vovinam đi theo được con đường ấy, nhiều VĐV Việt Nam sẽ phải chấp nhận gạt qua những khoản tiền thưởng trước mắt để nghĩ về tương lai lâu dài.

Khi Vovinam được nhiều nước trong khu vực đam mê và trở thành môn thi đấu chính thức tại nhiều kỳ SEA Games, đương nhiên các VĐV vốn có cuộc sống đời thường rất nhọc nhằn sẽ có thêm cơ hội khẳng định giá trị bản thân đồng thời tích lũy được một chút vốn liếng (VĐV giành HCV, HCB, HCĐ SEA Games 2011 được thưởng lần lượt 45 - 25 - 20 triệu đồng/huy chương, phá kỷ lục thưởng tại SEA Games thêm 15 triệu đồng). Nhưng năm nay, chúng ta phải “tạm quên” đi sự hấp dẫn đó vì sự lớn mạnh của Vovinam trong những năm tiếp theo.

Đó là lý do có thể hiểu vì sao Vovinam VN với nhiều nhà vô địch thế giới chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu giành 4-6 HCV trong tổng số 14 bộ huy chương (10 bộ biểu diễn, 4 bộ đối kháng).

Tinh thần thượng võ

Nếu như ở nhiều môn thể thao khác, yếu tố trung thực, cao thượng luôn được đề cao, thì với các võ sĩ, phẩm chất ấy càng được coi trọng. Làm sao thắng đẹp, thể hiện hết những tinh hoa của võ thuật VN với tinh thần thượng võ, tôn trọng đối thủ mới là việc khó.

“Tại SEA Games, sẽ có những nội dung biểu diễn cơ bản nhất, chứ không yêu cầu độ khó cao, tính sáng tạo như giải vô địch thế giới-nơi hội tụ những nước đã phát triển Vovinam từ lâu. Vậy nên sẽ không có nhiều khác biệt giữa VN so với Lào, Campuchia Indonesia - những nước đều đã đưa VĐV sang VN tập huấn” - anh Nguyễn Bình Định - tuyển thủ Vovinam VN kiêm Trưởng bộ môn Vovinam TP.HCM, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á cho biết.

Tại SEA Games 2011, môn Vovinam diễn ra từ 12 đến 16.11 tại Nhà thi đấu Sunter (Jakarta). Những VĐV được kỳ vọng sẽ giành HCV cho Vovinam VN là: Phạm Thị Phượng, Ngọc Tới, Khắc Nguyên, Bình Định, Văn Cường, Đông Vượng…

Theo anh Định, thời gian qua, trình độ của các võ sĩ Lào đã tiến bộ rất nhanh, có thể thi đấu ngang ngửa với võ sĩ VN ở các hạng cân đối kháng. VĐV Campuchia, Indonesia lại khá xuất sắc trong các bài quyền biểu diễn. Chắc chắn Vovinam VN sẽ phải thi đấu rất quyết tâm để khẳng định vị thế tại SEA Games 26.

Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic VN khẳng định: “Sau cuộc họp Hội đồng SEA Games mới đây, Vovinam đã chính thức trở thành môn nhóm 3 (xếp sau các môn nhóm 1 Olympic và nhóm 2 ASIAD). Nghĩa là Vovinam sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện ở nhiều kỳ SEA Games nữa”.

Đặt trong hoàn cảnh môn võ muay sở trường của Thái Lan, võ gậy của Philippines không có trong chương trình thi đấu SEA Games 2011, thì việc Vovinam có cơ hội quảng bá hình ảnh của mình trên đất Indonesia có thể coi là một thành công rực rỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem