VPF ra đời, có trị được "vua áo đen"?

Chủ nhật, ngày 02/10/2011 06:16 AM (GMT+7)
Dân Việt - Sự ra đời của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) liệu có giúp giải quyết tận gốc vấn nạn trọng tài vốn được coi là một trong những "hòn đá tảng" cản đường phát triển của bóng đá Việt Nam?
Bình luận 0

Khi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) vẫn chỉ ở dạng đề án mang tên “bầu Kiên và những người bạn”, thì ngày càng xuất hiện nhiều nỗi băn khoăn. Câu hỏi đầu tiên là liệu VPF có giải quyết được vấn nạn trọng tài được coi như một trong những “hòn đá tảng” cản đường phát triển của bóng đá nước nhà?

img
Trọng tài có đẳng cấp như ông Võ Minh Trí liệu có bị “nặng đầu” mỗi khi ra sân điều khiển V.League trong tương lai?

Bên lề Hội nghị Chủ tịch 28 CLB V.League, hạng Nhất được tổ chức hôm 29.9, ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định: “Khi VPF ra đời, lương trọng tài được cải thiện lên tới 30-50 triệu đồng/tháng là điều hoàn toàn khả thi. Mùa giải diễn ra trong 8 tháng và một trọng tài bắt tốt có thể thu nhập được khoảng 400 triệu đồng/mùa, như thế thì họ phải có ý thức, trách nhiệm với công việc của mình. Trọng tài càng bắt tốt, càng được giao làm nhiệm vụ nhiều hơn, không chỉ khẳng định uy tín của mình trong nghề, mà còn trong xã hội”.

Cứ cho là thu nhập của giới trọng tài sẽ được nâng cao rõ rệt trong tương lai nhờ VPF nhưng nếu chỉ có “tăng lương” thì e rằng những tồn tại, điều tiếng xung quanh giới cầm còi không thể bớt đi.

Thực tế, trong buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Bóng đá - cơ quan ngôn luận của VFF - hôm 14.9, ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF đã bày tỏ quan điểm khi bàn về chế độ của trọng tài: “Nói chế độ thấp là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực là không công bằng với các trọng tài. Thậm chí, nhiều trọng tài đã bức xúc với nhận xét ấy. Họ nói với tôi rằng mức thu nhập trung bình 8-10 triệu đồng/tháng là cao so với nhiều ngành nghề khác rồi”.

Cùng quan điểm với ông Hỷ, HLV Vương Tiến Dũng - người từng làm việc nhiều năm ở V.Hải Phòng (đội bóng bị bầu Kiên chỉ đích danh cho là được trọng tài bênh thô thiển mới trụ hạng thành công sau khi V.League 2011 khép lại) cho rằng: “Chuyện nâng lương 30-50 triệu đồng/tháng không giải quyết được vấn đề. Nếu môi trường bóng đá tiêu cực thì kể cả trả lương 100 triệu đồng thì vẫn tiêu cực”.

Về vấn đề trọng tài, bầu Đức từng nói: “Tôi không tin trong 80 triệu dân lại không có nổi một đội ngũ trọng tài giỏi chuyên môn, có tư cách tốt, thành thạo ngoại ngữ”.

Điều bầu Đức nói quả không sai, nhưng muốn làm được cần có thời gian, lộ trình như cách HAGL đang kỳ vọng vào sự xuất hiện của lứa cầu thủ xuất thân từ Học viện HAGL-Arsenal JMG vậy.

Vấn đề là liệu các đội bóng, ông bầu V.League có đủ kiên nhẫn để chờ đợi 1 lứa trọng tài mới, hay lại dễ “nổi khùng” khi trọng tài mắc sai lầm trong những mùa giải tới đây, khi VPF đã ra đời?

Ông Trần Văn Phúc - nguyên HLV đội Thanh Hóa, Ủy viên Hội đồng HLV quốc gia chia sẻ: “Tôi không đồng ý với ai cho rằng trình độ trọng tài Việt Nam yếu kém, vấn đề nằm ở nhận thức. Mà điều này thì có tiền cũng không thể giải quyết tận gốc được.

Nhận thức của trọng tài Việt Nam còn thua xa nhận thức của trọng tài trên thế giới về nhiều mặt, chứ không chỉ chuyện chuyên môn. Vậy nên chắc chắn để thay đổi diện mạo giới trọng tài không thể làm trong một sớm một chiều được đâu”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mùi - Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia  thẳng thắn nói: “Từ lâu tôi đã không đồng ý với việc quy tiêu cực cho trọng tài, thế là không ổn. Nếu các đội bóng không tiêu cực, không đưa phong bì, thì trọng tài làm sao có cái mà nhận? Các CLB sạch, môi trường bóng đá sạch thì đương nhiên trọng tài sẽ sạch”.

Theo ông Mùi, dường như một số người đang nghĩ ban trọng tài sẽ thuộc VPF và VPF có quyền quyết định với trọng tài.

“Hiểu thế là sai, bởi theo quy định của FIFA, ban trọng tài thuộc BCH VFF. Ở các nước khác trên thế giới cũng vậy, ban trọng tài thuộc BCH Liên đoàn bóng đá của quốc gia đó. Về kinh phí thuê trọng tài ra sao, VPF sẽ làm việc với VFF.

Sau đó, VFF sẽ phân công trọng tài làm nhiệm vụ, chứ không có chuyện VPF thích trọng tài ra sân làm nhiệm vụ là họ được quyền tự chọn, tự thuê thế nào cũng được. Việc đào tạo trọng tài ra sao cũng do VFF làm chứ không phải VPF”, ông Mùi nói tiếp.

Như thế, VPF muốn thuê trọng tài nước ngoài, hay muốn để trọng tài nữ bắt giải nam cho thú vị (như lời nói của bầu Đức tại buổi đối thoại doanh nghiệp làm bóng đá tại TP.HCM hôm 15.9) cũng phải được sự đồng ý của VFF (?!).

Giờ thì bắt đầu thấy mọi chuyện nan giải rồi, bởi chắc chắn cả VFF và VPF sẽ đều nỗ lực “khẳng định tầm ảnh hưởng”. Và việc chọn ai ngồi vào ghế Tổng Giám đốc VPF, Giám đốc điều hành V.League càng nghĩ càng thấy khó.

Trước mắt, giới trọng tài Việt Nam mừng thì ít (tăng lương) nhưng lo lại nhiều. Nếu như trước đây họ chỉ phải nghĩ cách làm vừa lòng VFF, thì nay phải làm sao làm hài lòng cả VFF lẫn VPF. Đó là chưa kể nhìn xung quanh xem có phải vì mình làm việc tích cực, làm tốt quá mà ảnh hưởng tới “nồi cơm” của chiến hữu không. Khi trọng tài ra sân với những “cái đầu” nặng trĩu, thì làm sao thể hiện chuyên môn tốt được?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem