VPF ra đời, rối chuyện bản quyền truyền hình V.League

Thứ ba, ngày 20/12/2011 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi VPF ra đời, vấn đề bản quyền truyền hình V.League, Giải hạng Nhất quốc gia được đề cập đến như một điểm nóng. Và không loại trừ khả năng VPF và AVG - đơn vị đang sở hữu bản quyền sẽ phải đưa nhau ra tòa.
Bình luận 0

Tiếng nói của bầu Kiên

Tạm gạt sang bên những chuyện hậu trường, việc bầu Kiên khiến các quan chức VFF phải im lặng lắng nghe ông độc diễn tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 hồi đầu tháng 9 đã chứng minh được phần nào sự ghê gớm. 

img
Cuộc tranh cãi về bản quyền truyền hình V.League giữa VPF và AVG hứa hẹn sẽ rất nóng.

Tại thời điểm đó, ông bầu nổi tiếng “dị” này cũng chẳng ngán ngẩm gì khi động chạm tới Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) với những tuyên bố đanh thép: “Tôi phản đối hợp đồng VFF đã ký với AVG: Bán bản quyền truyền hình trong 20 năm mà không thông qua các CLB, dù chúng tôi là thành phần chính tham gia cuộc chơi, và thực tế tiền bản quyền VFF nhận 50, các CLB nhận 50… Tôi chưa nói đến tính hợp pháp, có đúng thẩm quyền hay không mà chỉ nhấn mạnh về mặt kinh tế rằng một hợp đồng ràng buộc như vậy sẽ ảnh hưởng, tác động sâu rộng với tương lai về sau của bóng đá VN”.

Tới Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ngày 14.12 vừa qua, một lần nữa ông Kiên với tư cách Phó Chủ tịch HĐQT VPF đã nói: “Tôn trọng AVG, chúng tôi sẽ mời họ đến đàm phán đầu tiên, sau đó mới đến lượt VTV, VTC. Tôi khẳng định sẽ có sự thay đổi mà cụ thể là chỉ ký hợp đồng tối đa 3 năm. Phí truyền hình cũng sẽ thay đổi, đột phá hẳn so với những gì đã thu được trước đây”.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Ai cũng hiểu những gì VPF muốn nhưng có hiện thực hóa được chuyện “chỉ ký hợp đồng tối đa 3 năm” hay không lại rất khác, đặc biệt khi VFF đã ký với thời hạn 20 năm với AVG năm ngoái.

Không phải ngẫu nhiên mà một người rất tích cực trong việc tham gia quá trình hình thành VPF như ông Phạm Ngọc Viễn-Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, Tổng Giám đốc VPF từng khẳng định sau Đại hội thường niên VFF đầu tháng 11:

“Sau khi VPF ra đời, bản quyền truyền hình và những thương quyền khác về giải đấu sẽ được trao cho VPF. Nhưng mọi thứ vẫn phải đảm bảo tính kế thừa. Lãnh đạo VPF và AVG có thể ngồi lại với nhau bàn thảo lại một số vấn đề trên cơ sở lợi ích, sự đồng thuận của cả hai bên chứ không có chuyện “hủy bỏ” hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm mà VFF đã ký với AVG”.

Trao đổi với Dân Việt sáng qua (19.12), ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AVG nói ngắn gọn: “Hiện tôi đang bận nhiều việc nên chưa có thời gian xem xét vấn đề bản quyền truyền hình. Vì vậy, tôi cũng không bình luận gì về thông tin VPF có ý định bàn bạc, ký hợp đồng bản quyền truyền hình tối đa 3 năm”.

Còn ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB HAGL, Phó Chủ tịch HĐQT VPF cũng từng nói: “Tôi không phản đối AVG. Tôi cho rằng làm việc với AVG còn dễ hơn làm việc với một số đài nhà nước khác. Chúng tôi làm việc với truyền hình nhà nước khó, chứ tôi tin làm với AVG, chỉ cần một cuộc nói chuyện là xong”.

Giờ chưa biết mọi chuyện sẽ đi tới đâu khi bầu Kiên quyết giữ quan điểm (đối đầu với AVG và cả một số “đồng đội” của mình). Khi chuyện “1 ông chủ - 2 đội bóng” tưởng như đơn giản mà VPF còn đang loay hoay, thì việc xem xét lại bản quyền truyền hình với AVG còn khiến VPF “mệt” đến nhường nào.

Chiều qua (19.12), khi được hỏi về vấn đề này, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT VPF đã nói tránh: “Tôi đang bận, việc này HĐQT VPF đã giao cho anh Kiên làm. Có vấn đề gì thì cứ hỏi anh Kiên”. Và mọi nỗ lực mà phóng viên Dân Việt liên lạc với bầu Kiên sau đó đều bất thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem