VPF thuê chuyên gia Nhật: Lý lịch đẹp chỉ để ngắm?

Thứ năm, ngày 03/01/2013 18:27 PM (GMT+7)
Dân Việt - Ông Kazuyoshi Tanabe sắp sang Việt Nam để đàm phán hợp đồng làm việc với VPF. Nhưng tới lúc này, vẫn còn những băn khoăn với chuyện thuê "chất xám" ngoại.
Bình luận 0

Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, ông Võ Quốc Thắng đã xác nhận việc mời chuyên gia Kazuyoshi Tanabe sang Việt Nam để đàm phán hợp đồng làm việc với VPF. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, chuyên gia người Nhật Bản này sẽ tham gia điều hành tổ chức các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ mùa 2013.

img
Chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe sẽ giúp được gì cho BĐVN?

Chưa rõ ông Kazuyoshi Tanabe có “chung lưng đấu cật” với nền bóng đá Việt-vốn đang "rối như tơ vò" vào lúc này, hay không. Thế nhưng lướt qua lý lịch, xem ra vị chuyên gia này từng đảm nhiệm nhiều công việc khá “hoành tráng”.

Ông Tanabe (52 tuổi), từng tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh thuộc khối trường đại học danh tiếng Nihon với chuyên môn chính là quản lý, tổ chức, đặc biệt là vấn đề quản lý tài chính. 13 năm qua, từ khi tham gia vào lĩnh vực bóng đá, ông Tanabe từng làm Giám đốc điều hành các CLB như Yokohama, Avispa Fukuoka, Ryukyu (Nhật Bản) và Grenoble (Pháp).

Ở bất cứ đâu, ông Tanabe cũng để lại dấu ấn đáng nể trong việc tổ chức đào tạo trẻ, thu hút khán giả tới sân, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đội bóng.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cho biết: "Nếu không dám thử thì làm sao biết hiệu quả sẽ ra sao. Trước đây, Đồng Tâm.LA đã thử với phương án Giám đốc kỹ thuật Calisto và thành công. Sau đó, ông Calisto giúp đội tuyển vô địch AFF Cup 2008 đấy thôi". Giờ cứ cho điều ông Thắng nói là hợp lý thì liệu VPF đã có chiến lược rõ ràng, sẵn sàng gắn bó lâu dài, đặt niềm tin tuyệt đối vào ông Kazuyoshi Tanabe như cách Đồng Tâm.LA đã đặt niềm tin vào ông "Tô" hay chưa?

Nhờ có ông Tanabe mà đội bóng Yokohama vốn thuộc hạng trung bình yếu của bóng đá Nhật Bản vào năm 1999, đã có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ 5 năm sau ngày Tanabe ngồi vào chiếc ghế Giám đốc điều hành, CLB này đã vươn mình thành một trong những đội bóng hàng đầu ở xứ sở mặt trời mọc.

Tương tự với tài quản lý, điều hành của Tanabe, CLB Grenoble (Pháp) vốn chỉ ở tầm trung của Ligue II, đã có những tiến bộ đáng kể, đạt được rất nhiều lợi nhuận để tạo sức vươn về chuyên môn, giành quyền lên chơi ở Ligue I vào năm 2008.

Tại CLB Avispa Fukuoka hay Ruykyu, ông Tanabe cũng đạt được những thành công.

Rõ ràng, với lý lịch như thế, có thể coi vị chuyên gia người Nhật Bản này có thực tài.

Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn là cái tài ấy liệu có thể phát huy ở môi trường bóng đá Việt Nam hay không?

Nếu so sánh với những nền bóng đá chuyên nghiệp chuẩn mực như Nhật Bản hay Pháp thì hiển nhiên, bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam còn lâu mới đạt chuẩn. Ở những nơi ông Tanabe đã làm việc (và thành công), tình trạng “một ông chủ, hai đội bóng”, “vừa đá bóng, vừa thổi còi” chẳng bao giờ xuất hiện như tại Việt Nam thời gian qua.

Tương tự, các đội bóng chuyên nghiệp của Nhật Bản, Pháp nói riêng và những nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu nói chung, có tính gắn bó cộng đồng rất mật thiết. Trong khi đó, ở bóng đá Việt, chuyện "thay tên, đổi chủ", sang nhượng đội bóng diễn ra thường xuyên, tới mức triệt tiêu tính cộng đồng, tính địa phương và cái gọi truyền thống CLB chỉ là những “giá trị ảo”.

Với rất nhiều rào cản được dự báo trước như thế, xem ra ông Tanabe có “tài thánh” cũng khó lòng xoay chuyển cục diện trong "một sớm, một chiều".

Ngay cả khi vị HLV người Nhật Bản có nghiên cứu kỹ lưỡng đến mấy, cũng không thể hiểu cặn kẽ nội tình để có những giải pháp phù hợp cho việc san lấp những “ổ voi” của nền bóng đá Việt. Một nền bóng đá vốn như ngôi nhà cần sửa lại từ móng chứ không phải xây mỗi nóc.

Cái hại của bóng đá chuyên nghiệp chỉ mang tính danh nghĩa chính là ở chỗ đó!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem