Vụ 10 học sinh bị bỏng trong ngày khai giảng: "Không nên cực đoan mà cấm sử dụng bóng bay"

Tào Nga Thứ năm, ngày 07/09/2023 19:00 PM (GMT+7)
Trong lễ khai giảng năm học mới ngày 5/9, tại Trường tiểu học Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa, một chùm bóng bay bất ngờ phát nổ khiến 10 em nhỏ nhập viện do bị bỏng. Vụ việc lại dấy lên tranh cãi có nên cấm sử dụng bóng bay trong ngày khai giảng?
Bình luận 0

Bóng bay được bơm bằng khí Hydro vô cùng nguy hiểm

Theo bác sĩ Nguyễn Thống, nguyên Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, năm nào Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cũng tiếp nhận vài trường hợp bỏng nặng do nổ bóng bay, thường là vào các dịp khai giảng năm học, lễ hội hay trung thu. Những ca này thường gây tổn thương nặng phần mặt, cổ, ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ.

Theo bác sĩ Thống, bóng bay được bơm bằng khí Hydro mới có thể bay lên, nên khi có áp lực, lại gặp nguồn nhiệt (tàn thuốc, bật lửa…) là có thể gây nổ, gây cháy. Điều đáng lo ngại nhất là vấn đề thẩm mỹ bởi bóng bay bơm khí Hydro phát nổ lửa thường chờm nhẹ, bốc nhanh nhưng lại rơi vào các chỗ hiểm trên người như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay.

Khí Hydro nhẹ, cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay thế này thẩm thấu cực nhanh, và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Bóng có áp lực căng nên nếu gặp nguồn nhiệt như tàn thuốc, bật lửa, ánh nắng mặt trời… có thể phát nổ, cháy gây bỏng cho những người đứng gần.

Vụ 10 học sinh bị bỏng trong ngày khai giảng: "Không nên cực đoan mà cấm sử dụng bóng bay" - Ảnh 1.

Vụ nổ bóng bay trong ngày khai giảng ở Thanh Hóa. Ảnh: Hữu Dụng

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng bay rất dễ thẩm thấu ra ngoài, trong đó ra nhiều ở cuống bóng chỗ buộc dây. Vì thế khi nạn nhân đốt dây vô tình khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích giãn nở gây ra cháy nổ. Những vụ nổ bóng bay thường nguy hiểm cho những người đứng gần, có thể bỏng da tay da mặt là những vị trí nhạy cảm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo: Hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay đều rất độc khi cho trẻ nhỏ thổi, ngậm, mút hay cầm tay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ.

Các chuyên gia không khuyến khích cho trẻ em chơi bóng bay bơm khí. Khi sử dụng để trang trí cần thận trọng, nên sử dụng lượng nhỏ để nếu không may xảy ra cọ sát, nổ sẽ không gây tác động mạnh.

Người dùng cũng không nên đưa bóng bay bơm khí vào ô tô, thang máy, phòng kín, nhiệt độ phòng nóng, cần giữ bóng tránh xa lửa phòng cháy nổ nguy hiểm.

Có nên cấm bóng bay trong ngày khai giảng?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về việc có nên sử dụng bóng bay trong ngày khai giảng hay không, Thạc sĩ Giáo dục Ngô Thanh Huyền cho hay: "Các trường không nên cho trẻ cầm bóng bay trong ngày khai giảng vì rất nguy hiểm cho các em. Tuy nhiên, bóng bay vẫn có thể được sử dụng để trang trí vì có nhiều loại bóng, mình chỉ cần quản lý và kiểm soát tốt là được. Không phải cứ không quản lý được là cấm mà không quản lý được là do khâu kiểm soát kém".

Thầy Vũ Khắc Ngọc, tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chuyên ngành Hóa học, từng là cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và hiện là giáo viên Hóa học tại Hà Nội nêu quan điểm: "Việc sử dụng bóng bay hoàn toàn bình thường bởi hàng chục nghìn ngôi trường trải qua hàng chục năm đều quen thuộc với hình ảnh bóng bay trong ngày khai giảng.

Không nên vì sự cố hy hữu xảy ra vừa qua mà chúng ta phản ứng mang tính cực đoan là cấm sử dụng bóng bay. Thả bóng bay lên trời cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng của ngày lễ khai giảng và là niềm vui của học sinh chào mừng năm học mới. Việc sử dụng bóng bay không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng sử dụng bóng bay. 

Điều quan trọng là chúng ta phải sử dụng thế nào cho an toàn. Chúng ta nên yêu cầu người bán sử dụng loại bóng tự thổi hoặc bóng bay sử dụng khí Heli. Không nên sử dụng khí Hydro vì không an toàn, dễ cháy nổ".

Cũng theo thầy Ngọc, nhiều ý kiến cho rằng việc không dùng bóng bay trong ngày khai giảng là để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thầy Ngọc chia sẻ việc này không có nhiều ý nghĩa. "Hiện nay các đồ dùng làm bằng nhựa phổ biến và tiện dụng. Chúng ta hô hào cấm không thả bóng bay trong ngày khai giảng nhưng về nhà vẫn dùng túi nilon hoặc đựng đồ ăn sáng bằng hộp xốp thì việc này không còn ý nghĩa mà lại mất đi niềm vui của trẻ".

Vụ 10 học sinh bị bỏng trong ngày khai giảng: "Không nên cực đoan mà cấm sử dụng bóng bay" - Ảnh 2.

Trường THPT Anhxtanh trong ngày khai giảng. Ảnh: NVCC

Thầy Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Mặc dù trong ngày khai giảng, Trường THPT Anhxtanh không sử dụng bóng bay nhưng tôi cho rằng không nên cấm bóng bay. 

Theo tôi, chúng ta vẫn có thể sử dụng bóng bơm bình thường. Câu chuyện ở đây là lỗi của con người chứ không phải là lỗi ở quả bóng bay. Trong ngày khai giảng, bóng bay trang trí vừa đẹp, vừa thân thiện với trẻ em, nhất là với học sinh cấp 1".

Năm 2019, bé Nguyệt Linh, học sinh ở Hà Nội đã gửi thư đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học gửi đến 40 trường học. Lá thư của Nguyệt Linh gây chú ý cả nước trước thềm năm học mới và bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã bày tỏ xúc động, hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng xuất sắc, thiết thực này vì đây là việc nên nhân rộng, khuyến khích.

Ngay sau đó, nhiều tỉnh thành đã có văn bản hướng dẫn các trường không thả bóng bay trong ngày khai giảng.

Năm nay, một số tỉnh thành cũng đã có chỉ đạo không thả bóng bay. Tại Đà Nẵng, lễ khai giảng của 290.000 được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không phát biểu các cấp lãnh đạo và không thả bóng bay.

Ở Ninh Bình, Sở GDĐT cũng gửi văn bản lưu ý các trường treo băngrôn hoặc phướn hai bên khán đài có nội dung theo mục tiêu cơ bản của đơn vị; khẩu hiệu tại cổng trường: Nhiệt liệt chào mừng năm học 2023 - 2024; trang trí khác như cờ, hoa, bóng bay... tuỳ thuộc điều kiện đơn vị và chú ý không thả bóng bay lên trời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem