Vụ 2 người bị sát hại ở Phú Thọ: Trường hợp nào nghi phạm bị xử lý hình sự?

Quang Trung Thứ tư, ngày 30/10/2024 07:02 AM (GMT+7)
Công an đã bắt nghi phạm sát hại 2 người dân trên địa bàn xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Đau lòng vụ 2 người bị sát hại ở Phú Thọ

Như Dân Việt đã thông tin, chiều 28/10, đại diện UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ xác nhận, công an đã bắt giữ nghi phạm sát hại 2 người dân trên địa bàn.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Tân Sơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, vụ trọng án trên xảy ra sáng cùng ngày tại xóm Chiềng 1, xã Kim Thượng khiến ông Hà Văn L. (SN 1939) và bà Hà Thị K. (SN 1955, cùng trú ở xóm Chiềng 1) tử vong.

Nghi phạm gây án được xác định là Hà Quốc Dương, SN 1991, trú tại xóm Chiềng 1, xã Kim Thượng.

"Nghi phạm thuộc diện tâm thần, hưởng chế độ bảo trợ xã hội từ tháng 6/2022, đang được Trạm y tế xã Kim Thượng quản lý và cấp thuốc hàng tháng theo chỉ định của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ", báo cáo của UBND huyện Tân Sơn nêu rõ.

Vụ 2 người bị sát hại ở Phú Thọ: Trường hợp nào nghi phạm bị xử lý hình sự?- Ảnh 1.

Nghi phạm tâm thần sát hại 2 người dân đã bị công an bắt giữ sáng 28/10. Ảnh: Người dân cung cấp.

Ngay khi nhận được tin báo trọng án, UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo công an huyện phối hợp với các lực lượng có mặt tại hiện trường khống chế, bắt giữ nghi phạm, bảo vệ hiện trường để phục vụ công tác điều tra.

Sẽ trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi phạm

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, bởi vậy với hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng của người khác là hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Với sự việc hai người bị tấn công dẫn đến tử vong, có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân, làm rõ diễn biến hành vi của các bên và đặc biệt là làm rõ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của nghi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, trong vụ việc này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi phạm.

Tường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy trước, trong thời điểm thực hiện hành vi sát hại người khác, nghi phạm mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra đình chỉ điều tra đối với vụ án.

Đồng thời áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với nghi phạm, sau khi chữa bệnh xong cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy trước, trong thời điểm thực hiện hành vi giết người, nghi phạm vẫn có khả năng nhận thức, sau khi thực hiện hành vi sát hại người mới mất khả năng nhận thức thì sẽ bắt buộc chữa bệnh.

Sau khi chữa bệnh xong, nghi phạm vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự bởi tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại người khác, nghi phạm có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi.

Như vậy, theo luật sư Cường, trong trường hợp kết luận giám định cho thấy, tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại hai nạn nhân mà nghi phạm mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì nghi phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lúc này, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố bị can hoặc nếu đã khởi tố bị can sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can này.

Tuy nhiên, vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự vẫn được đặt ra. Người giám hộ của người tâm thần có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do người tâm thần gây ra theo quy định của pháp luật về dân sự.

"Thời gian qua không ít những vụ việc người tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Để giảm thiểu những vụ việc đau lòng như trên, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các cơ chế quản lý người tâm thần", ông Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem