Vụ 20 trẻ Lai Châu nhập viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Hoá chất này độc đến mức nào?
Vụ 20 trẻ Lai Châu nhập viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Hoá chất này độc đến mức nào?
Gia Khiêm
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 13:26 PM (GMT+7)
Từ việc Bệnh viện Đa khoa Lai Châu tiếp nhận 20 trẻ nhập viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng cảnh báo về loại hoá chất này.
Hóa chất diệt chuột có độc tố cực mạnh, dễ gây tử vong
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Lai Châu tiếp nhận 20 trẻ nhập viện, nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột, trong đó có 2 em biểu hiện ngộ độc như đau bụng, buồn nôn.
Theo đó, các bệnh nhi này là học sinh lớp 24 - 36 tháng tuổi của Trường Mầm non Giang Ma, xã Giang Ma, huyện Tam Đường. Khoảng 8h40 sáng 5/11, cô giáo phụ trách phát hiện 20 trẻ trong lớp vô tình nghịch và có em đã ăn nhầm thuốc diệt chuột nhãn hiệu Thái Lan.
Giáo viên liên hệ nhân viên Trạm Y tế xã, đưa các em xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo dõi điều trị. Nhân viên y tế cấp cứu theo phác đồ, phối hợp Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ điều trị trực tuyến. Nguyên nhân vụ ngộ độc đang được giới chức trách điều tra.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay có một số hóa chất diệt chuột được phép lưu hành ở Việt Nam, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều loại hóa chất diệt chuột không được phép lưu hành nhưng bán tràn lan ngoài thị trường.
Những loại hóa chất diệt chuột nhập lậu được bán phổ biến ở các cửa hàng tạp hóa, gánh hàng rong, trên mạng xã hội… có độc tố cực cao, nếu không may ăn phải sẽ đe dọa đến tính mạng con người.
"Các loại hóa chất diệt chuột đều có độc tố rất mạnh, ảnh hưởng đến thần kinh và tim mạch. Hóa chất diệt chuột nhập lậu thường gặp có thể ở dạng lỏng hoặc rắn, chứa chất Fluoroacetate hay Fluoroacetamide. Hai loại độc tố này tác động đến thần kinh và tim mạch, có thể gây tổn thương não, co giật, hôn mê, tổn thương cơ tim... Nếu không may nuốt phải rất dễ gây tử vong", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Để diệt chuột an toàn cần phải làm gì?
Giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay, nếu không may nhiễm độc có thể gây chảy máu nội tạng, nguy hiểm hơn khi một số trường hợp bị chảy máu kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm. Chính vì vậy, nếu nhiễm độc, bệnh nhân cần được uống thuốc giải độc thường xuyên, uống kéo dài trong vòng nhiều ngày, nhiều tháng.
"Một loại hóa chất diệt chuột khác cũng được phép lưu hành tại Việt Nam đó là Phosphua kẽm, phosphua nhôm, có màu xám. Chất độc này gây tổn thương hệ tiêu hóa rất nặng, gây tổn thương tim, tổn thương não, tổn thương mạch, tổn thương đa cơ quan", ông Nguyên nêu.
TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay, để diệt chuột bằng hóa chất một cách an toàn, đầu tiên người dân cần chọn những loại hóa chất diệt chuột được phép lưu hành. Những loại hóa chất này có độc tố thấp hơn, hạn chế được các nguy cơ hơn so với những loại cấm lưu hành. Tiếp theo người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng hóa chất.
Cụ thể, người dân tuyệt đối không dự trữ hóa chất diệt chuột trong gia đình; Tuyệt đối không trộn hóa chất diệt chuột với những loại thức ăn hấp dẫn với trẻ nhỏ như bim bim, bỏng, bánh,… khiến trẻ dễ nhầm lẫn.
"Khi sử dụng bả cần để nơi cao để trẻ không với tới, hoặc để nơi kín đáo, sau đó đóng cửa, khóa kỹ càng để trẻ em, người già,… không tiếp cận được; Để hóa chất tránh xa nguồn thực phẩm và nước uống, nước sinh hoạt, tránh việc hóa chất ngấm vào nguồn nước hay thực phẩm, đã có trường hợp cho nhầm hóa chất diệt chuột vào thực phẩm khi chế biến vì nhầm với gia vị; Khi sử dụng hóa chất diệt chuột cần sử dụng khẩu trang và bao tay", bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Chuyên gia chống độc cũng khuyến cáo, khi phát hiện người không may bị ngộ độc hóa chất diệt chuột, cần đeo găng tay để loại bỏ hóa chất ra khỏi người nạn nhân, sau đó nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.